Các xã xây dựng nông thôn mới: Đổi thay nhanh chóng 

Cập nhật: 01-12-2015 | 08:56:16

Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã xây dựng NTM của tỉnh Bình Dương đã đổi thay nhanh chóng. Điều dễ nhận thấy ở các xã này là đường giao thông, các công trình công cộng… được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt...

Đổi thay từ những tuyến đường

Xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Bình Dương đạt chuẩn xã NTM. Đến Bạch Đằng những ngày này, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự đổi thay nơi đây. Ðiều dễ nhận thấy nhất là những con đường lầy lội trước đây nay đã được đổ bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ. Các tuyến đường này được bê tông hóa có sự đóng góp rất lớn của người dân địa phương. Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, chia sẻ để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xã đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Quan điểm của địa phương là vẫn phải tiếp tục hoàn thiện tốt hơn từng tiêu chí NTM để xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững. “Chúng tôi tin rằng, sự nỗ lực chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ đưa Bạch Đằng phát triển mạnh mẽ hơn”, bà Xuyên nói.

Diện mạo các xã xây dựng NTM đã đổi thay mạnh mẽ. Trong ảnh: Một tuyến đường ở xã NTM Bạch Đằng, TX.Tân Uyên được xây dựng khang trang

Theo lãnh đạo TX.Tân Uyên, qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn thị xã có 58 tuyến giao thông được nâng cấp, xây dựng mới với chiều dài 84km. Thị xã còn đặc biệt chú trọng nâng cao mức sống người dân khu vực nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trên địa bàn các xã xây dựng NTM đến nay đã giảm xuống còn 0,37%.

Đi lên từ một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần làm nên sự đổi thay mạnh mẽ cho huyện Dầu Tiếng. Kết quả nổi bật là trong 5 năm qua, toàn huyện đã thi công 57 công trình, 159 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 198km. Đến nay, ngoài 4 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM trong các năm 2013 và 2014, mới đây các xã Minh Tân, Minh Hòa, Long Hòa, Thanh Tuyền và Định An đều đã hoàn thành các tiêu chí NTM và được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Theo lãnh đạo huyện Dầu Tiếng, nhờ làm tốt công tác xây dựng NTM đã góp phần giảm đáng kể số hộ nghèo của huyện, hiện chỉ còn 0,9% theo tiêu chí của tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Thuần, người dân ở xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ từ khi có chủ trương xây dựng NTM, bà con trong xã rất phấn khởi, đồng tình cùng nhà nước nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM. Kết quả dễ nhận thấy nhất là trên lĩnh vực giao thông. Nếu như trước đây đường sá trong xã nhỏ hẹp đi lại rất khó khăn, thì nay cùng với sự đầu tư của nhà nước và đóng góp của nhân dân, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp mở rộng khang trang.

Sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM

Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo mục tiêu chung mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Theo đó, Bình Dương phấn đấu đến năm 2020, 100% số xã thực hiện xây dựng NTM đạt chuẩn NTM; đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn. Về mục tiêu cụ thể, năm 2016 sẽ có thêm 6 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 1 - 3 tiêu chí NTM/năm. Dự kiến, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 của cả tỉnh là gần 11.262 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương sẽ chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Những kết quả Bình Dương đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua là đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong quá trình xây dựng NTM tại các xã trong tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động chưa linh hoạt, chưa lồng ghép công tác tuyên truyền với các hoạt động, phong trào khác trên địa bàn. Về phương thức tuyên truyền chưa thể hiện rõ được định hướng, nguyên tắc, phương châm của chương trình. Bên cạnh đó, đa số cán bộ xã chưa được đào tạo qua chuyên ngành nên khó khăn trong việc góp ý, định hướng cho đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình…

Ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng xây dựng NTM là quá trình lâu dài nên không thể vội vàng huy động một lúc tối đa nguồn nhân lực. Vì vậy, cần phải có sự bàn bạc thống nhất giữa nhà nước và nhân dân để thực hiện hoàn thành trước các công trình, dự án ưu tiên; cùng với đó triển khai các đồ án, đề án để người dân hiểu rõ và đồng thuận đóng góp cùng nhà nước hoàn thành mục tiêu đã đề ra. “Hơn hết, quá trình xây dựng NTM phải luôn lấy người dân làm trọng tâm. Nói cụ thể hơn, các công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông nông thôn phải được công khai, dân chủ, trên cơ sở dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, ông Bình chia sẻ.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã thực hiện 2.102 công trình giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị với tổng chiều dài 1.249km, tổng kinh phí 11.530 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa đạt 85,5%; 98% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 85% đường trục thôn xóm được cứng hóa…

QUỲNH NHIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên