Cần phối hợp ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi 

Cập nhật: 16-11-2015 | 21:12:06

Thực hiện giám sát an toàn thực phẩm, 10 tháng năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) nhận định, vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi. Chính vì thế, rất cần có sự phối hợp từ nhiều phía để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan…

Tiến hành công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm tại 30 cơ sở kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn TP.TDM, Tân Uyên, Bến Cát với 113 mẫu thịt đã phát hiện có 106/182 mẫu nhiễm vi sinh vượt mức quy định (chiếm 58,24%). Có 4/50 mẫu thịt heo có hóa chất cấm salbutamol, chiếm 8%. Ngoài ra, có 78/113 mẫu thịt, sản phẩm chế biến từ thịt nhiễm vi sinh; 2/24 mẫu thịt nhiễm Cadmium vượt mức cho phép, chiếm tỷ lệ 8,34%; có 7/50 mẫu sản phẩm chế biến từ thịt có hóa chất bảo quản axit benzoic vượt mức cho phép; không phát hiện tồn dư kháng sinh trong 154 mẫu thịt kiểm tra và chất bột sắt, hàn the trong 66 mẫu kiểm tra.

 

Lấy mẫu thịt tại lò mổ ở phường Uyên Hưng kiểm tra vi sinh, hóa chất cấm

 

Lý giải về nguyên nhân này, ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sử dụng chất cấm hiện nay là do việc phát hiện, quản lý, xử lý chất cấm còn một số vấn đề bất cập. Chất cấm chủ yếu được nhập lậu từ nước ngoài, khó kiểm soát.

Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi đầu vào còn rất hạn chế, chất cấm được trá hình bằng hình thức các chế phẩm tăng trọng gia súc vẫn được bán trên thị trường; đặc biệt là hạn chế trong việc chấp hành pháp luật của người dân, một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ các quy định của pháp luật cũng như chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Chất tăng trọng, tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ beta-agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Chúng có tác dụng làm giãn phế quản, điều khiển các chất dinh dưỡng hướng tới mô cơ, tăng quá trình sinh tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm sinh tổng hợp mỡ, giảm tích lũy mỡ trong cơ thể.

Nếu vật nuôi sử dụng nhiều và con người ăn phải các loại thực phẩm có chứa các chất trên thì có thể bị ngộ độc gây run cơ, đau tim, sẩy thai ở phụ nữ, trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Qua kết quả giám sát trên cho thấy, tỷ lệ nhiễm vi sinh trên mẫu thịt tươi giám sát đợt 1-2015 cao hơn cùng kỳ năm 2014 (68,13% so với 58,24%). Trong đó mẫu nhiễm salmonella tăng đột biến, có 66/132 mẫu nhiễm, chứng tỏ công tác quản lý an toàn thực phẩm của các ngành chức năng và tuyên truyền chưa tốt, chưa đạt hiệu quả. Khảo sát cho thấy thịt tươi có khả năng nhiễm vi sinh ở các khâu giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại chợ, siêu thị.

Bên cạnh đó, thịt heo trên thị trường hiện nay được nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Với những trường hợp vi phạm thì chỉ mới dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa có trường hợp đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh cơ sở dùng chất cấm nên chưa đủ sức răn đe.

Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: “Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhấn mạnh về công tác tuyên truyền cần rõ về thời điểm, đối tượng; cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tìm ra, đấu tranh, triệt phá những đường dây cung cấp các sản phẩm giả, chất cấm trong chăn nuôi. Các địa phương cần nghiên cứu mức thưởng thích đáng để khuyến khích người cung cấp tin về thực phẩm bẩn”.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tăng cường mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm từ nay đến sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là điều tra chất cấm trong chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc để xử lý người chăn nuôi.

 

• THOẠI PHƯƠNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=506
Quay lên trên