Chân dung mẹ Việt Nam anh hùng: Hai lần khóc thầm lặng lẽ

Cập nhật: 08-09-2014 | 16:09:38

Chiến tranh đã lùi xa, mọi vết thương trên da thịt đều đã lành thế nhưng vết thương lòng, nỗi nhớ con da diết vẫn mãi trong lòng những người mẹ Việt Nam anh hùng. Nỗi nhớ đó được mẹ Phạm Thị Miếng khắc sâu trong tâm trí, để mỗi đêm thầm gọi tên con.

Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường Tân Định (TX.Bến Cát), chúng tôi đến thăm mẹ Phạm Thị Miếng. Trong căn nhà khang trang, mẹ đang đùa vui cùng đứa chắt vừa tròn 6 tháng tuổi. Giờ đây khi sức khỏe đã yếu, mẹ hạnh phúc khi con cháu lớn khôn, thành đạt. Ông Triệu Văn Đức (SN 1939), con đầu của mẹ tâm sự: “Mẹ tôi đã 98 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Đó là niềm vui vô cùng của gia đình. Hàng ngày mẹ tôi vẫn chống gậy đến nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công của các con mà rơi nước mắt. Mẹ ước trước khi nhắm mắt xuôi tay được biết các con đang chôn cất ở đâu. Lúc đó, dù sức yếu, mẹ cũng sẽ đến thăm các con và kể cho các con nghe những chuyện thời bình”. Nhắc đến hai người con hy sinh, mẹ Miếng thì thào: “Hai anh em nó hứa đánh xong trận sẽ về thăm mẹ, nhưng rồi nó không về”.

Chiến tranh ác liệt không từ bất kỳ ai và đã cướp đi hai người con trai yêu quý của mẹ. Tham gia cách mạng, anh dũng trong chiến đấu, anh Triệu Văn Công đã nhận được Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Rồi anh đã hy sinh năm 1968. Ông Đức kể lại: “Ngày thằng Công ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc chỉ có mẹ tôi biết và tiễn đưa. 8 năm sau, chúng tôi nhận được giấy báo tử nhưng không biết chôn cất ở đâu?”.

Trước sự hy sinh vì nghĩa lớn của con trai, mẹ biến nỗi đau thành niềm tự hào. Năm 1983, khi đất nước đã vắng tiếng bom rền, mẹ nghe tin dữ người con trai Triệu Văn Tâm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Campuchia. Cầm giấy báo tử mẹ không tin vào mắt mình. Mẹ được mọi người kể lại rằng, trong lúc địch tấn công, đơn vị anh chống trả và anh bị thương rất nặng. Được lệnh rút quân, anh cùng đoàn lội suối để qua bên kia rừng. Thế nhưng, nước chảy xiết, vết thương nặng đã cuốn anh cùng một số đồng đội trôi theo dòng nước. Đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt.

Chúng tôi được biết, chồng mẹ cũng từng hoạt động mật. Ông hoạt động trước khi cưới mẹ. Sau đó, ông lấy cớ đi làm ăn xa để bí mật cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội trong vùng kháng chiến. Để chồng yên tâm trên chiến tuyến, mẹ một mình tần tảo làm đủ việc để nuôi 13 người con. Giờ đây, chồng mất, mẹ sống với người con gái Triệu Thị Bi (SN 1942) tại Tân Định. 10 đứa con còn lại, mỗi người một nơi nhưng đến lễ, tết lại đưa con cháu về quây quần bên mẹ. Mẹ đau ốm các con về thay nhau chăm sóc. Mẹ còn được chính quyền quan tâm thăm hỏi, thực hiện các chế độ chính sách thể hiện sự tri ân. Vì thế, trong nỗi đau mất con, lòng mẹ vẫn ấm áp.

T.LÝ - H.NHUNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên