Chọn trọng tài nào khi việc kinh doanh bị tranh chấp?

Cập nhật: 12-10-2013 | 00:00:00

Theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế, hiện có hai hình thức trọng tài được sử dụng là Trọng tài vụ việc và Trọng tài quy chế. Tùy thuộc vào ý chí, điều kiện thực tế, thói quen hay nội dung của tranh chấp, các bên đương sự sẽ quyết định lựa chọn cho mình một hình thức trọng tài phù hợp.

Dưới đây là những phân tích về ưu, nhược điểm của từng hình thức với mong muốn giúp các cá nhân và tổ chức kinh doanh lựa chọn cho mình một hình thức trọng tài để giải quyết một cách hiệu quả nhất các tranh chấp đã, đang và sẽ phát sinh trong quá trình kinh doanh.

Trọng tài vụ việc

Trọng tài vụ việc có thể được hiểu là hình thức trọng tài được lập ra theo yêu cầu của các đương sự để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể và tự giải thể khi tranh chấp đó đã được giải quyết.

Ưu điểm cơ bản của hình thức Trọng tài vụ việc đó là quyền tự định đoạt của các bên là rất lớn. Thủ tục giải quyết của Trọng tài vụ việc hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận cho riêng họ và các Trọng tài viên phải tuân theo. Điều này đòi hỏi sự hợp tác của các bên để thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả và nhiều thời gian vì các bên phải thỏa thuận chi tiết về việc tiến hành quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, việc tiến hành Trọng tài vụ việc có chi phí thấp và thời gian giải quyết nhanh. Với việc lựa chọn hình thức trọng tài này, các bên sẽ không phải trả thêm các khoản chi phí hành chính cho các trung tâm trọng tài (thông thường khoản chi phí này không nhỏ). Ngoài ra, đối với Trọng tài vụ việc, các bên có thể thỏa thuận bỏ qua một số thủ tục tố tụng không cần thiết để rút ngắn thời gian giải quyết vụ tranh chấp.

Nhược điểm lớn nhất của Trọng tài vụ việc (có thể là yếu tố bất lợi nghiêm trọng) đó là phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bên. Nếu một bên không có thiện chí, quá trình tố tụng sẽ luôn có nguy cơ bị trì hoãn và nhiều khi không thể thành lập được Hội đồng Trọng tài bởi vì không có quy tắc tố tụng nào được áp dụng. Trong Trọng tài vụ việc, không có tổ chức nào giám sát việc tiến hành trọng tài và giám sát các Trọng tài viên. Vì vậy, kết quả phần lớn phụ thuộc vào việc tiến hành tố tụng và khả năng kiểm soát quá trình tố tụng của các Trọng tài viên. Cả Trọng tài viên và các bên sẽ không có cơ hội nhận được sự ủng hộ và trợ giúp đặc biệt từ một tổ chức trọng tài thường trực trong trường hợp phát sinh sự kiện không dự kiến trước và trong trường hợp các Trọng tài viên không thể giải quyết được vụ việc. Sự hỗ trợ duy nhất mà các bên có thể nhận được là từ các tòa án. Do vậy, chỉ khi có tồn tại một Hội đồng Trọng tài và một quy tắc tố tụng cụ thể được xác lập thì quá trình tố tụng mới có thể tiến hành được suôn sẻ như Trọng tài quy chế trong trường hợp một bên từ chối không tham gia vào quá trình tố tụng.

Trọng tài quy chế

Trọng tài quy chế là hình thức trọng tài được thành lập dưới dạng các trung tâm, tổ chức hoặc hiệp hội, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có trụ sở cố định. Hầu hết các tổ chức trọng tài đều có Quy tắc tố tụng trọng tài riêng, một số có Danh sách trọng tài viên riêng.

Nếu các bên muốn lựa chọn hình thức Trọng tài quy chế, các bên phải ghi rõ tên tổ chức trọng tài cụ thể trong điều khoản trọng tài hoặc ghi rõ tranh chấp sẽ được giải quyết theo Quy tắc tố tụng trọng tài của một tổ chức trọng tài cụ thể. Nếu không có thỏa thuận rõ ràng, các điều khoản trọng tài có nguy cơ bị vô hiệu hoặc không được cơ quan nào giải quyết khi tranh chấp phát sinh. Theo Điều 10 của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003, thỏa thuận trọng tài sẽ vô hiệu nếu không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thỏa thuận bổ sung.

Nhằm giúp các bên có thể dễ dàng lựa chọn tổ chức trọng tài khi có ý định sử dụng Trọng tài quy chế, các tổ chức Trọng tài quy chế đều có những điều khoản trọng tài mẫu để các bên tham khảo. Ví dụ như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”.

Với việc đưa các điều khoản trọng tài nêu trên vào hợp đồng, các bên sẽ được bảo đảm nhận được đầy đủ các hình thức hỗ trợ của Trọng tài quy chế, bảo đảm trong mọi trường hợp, quá trình tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành, không phụ thuộc vào việc một bên có tham gia tố tụng hay không.

Việc quy định chi tiết các thủ tục tố tụng khi bắt đầu cho đến khi kết thúc là thuận lợi lớn nhất của Trọng tài quy chế. Chẳng hạn, khi các bên thỏa thuận trọng tài sẽ được tiến hành bởi một Hội đồng Trọng tài gồm 3 Trọng tài viên nhưng bị đơn lại không tiến hành chỉ định Trọng tài viên. Trong trường hợp đó, quy tắc tố tụng trọng tài sẽ quy định cụ thể về việc chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn. Theo Quy tắc tố tụng trọng tài, nếu bị đơn không tiến hành chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu chỉ định Trọng tài viên thì Chủ tịch Trung tâm sẽ chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn. Ngoài ra, các quy tắc tố tụng của các tổ chức trọng tài thường quy định rất chi tiết về các bước của quá trình tố tụng, bảo đảm trong mọi trường hợp tranh chấp sẽ được giải quyết, không phụ thuộc vào việc một bên có tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài hay không.

Ưu điểm thứ hai đó là hầu hết các tổ chức trọng tài đều có những chuyên gia được đào tạo tốt để hỗ trợ quá trình trọng tài. Các chuyên viên này sẽ bảo đảm Hội đồng Trọng tài sẽ được thành lập, các khoản phí trọng tài sẽ được nộp đủ, đôn đốc đúng thời hạn và nói chung sẽ bảo đảm quá trình tố tụng được diễn ra phù hợp trong phạm vi tối đa có thể.

Nhược điểm lớn nhất của Trọng tài quy chế đó là tốn kém nhiều chi phí. Rõ ràng giải quyết tranh chấp tại Trọng tài quy chế, ngoài việc phải trả chi phí thù lao cho các Trọng tài viên, các bên còn phải trả thêm các chi phí hành chính để nhận được sự hỗ trợ của các trung tâm trọng tài. Nhược điểm thứ hai của Trọng tài quy chế đó là nhiều khi quá trình tố tụng bị kéo dài mà Hội đồng Trọng tài các bên bắt buộc phải tuân thủ vì phải tuân theo các thời hạn theo quy định của Quy tắc tố tụng.

 

 NGUYỆT MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=381
Quay lên trên