Chủ động cứu nạn, phòng chống dịch bệnh do thiên tai

Cập nhật: 31-10-2013 | 00:00:00

Sở Y tế Bình Dương đã chủ động và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức cứu nạn, phòng chống dịch bệnh do thiên tai gây nên. Kế hoạch được phân công cụ thể từ tuyến tỉnh đến huyện, xã… 

Y, bác sĩ tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí cho bà con tại Bến Cát

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây tình hình thời tiết trong tỉnh có những diễn biến phức tạp, bất thường, mưa lớn, kéo dài xảy ra trên diện rộng. Trung bình mỗi tháng trong mùa mưa có khoảng 3 đợt, dẫn đến phải xả lũ từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ. Đỉnh triều cường hàng năm đều liên tục tăng cao gây nên ngập úng cục bộ một số vùng ven các sông. Trước tình hình đó, Sở Y tế chỉ đạo “ứng phó” cho các địa phương như: Chánh Nghĩa (TP.TDM), Bạch Đằng (Tân Uyên), An Sơn, Vĩnh Phú (TX.Thuận An), Mỹ Phước và Phú An (Bến Cát). Ngoài ra còn chú trọng đến các khu vực có thể ảnh hưởng do bão, triều cường, sạt lở đất, ngập lụt ven các sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé…

Mục tiêu cụ thể là: 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập tỉnh, huyện đều chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị và cơ sở phòng ốc tiếp nhận cứu chữa nạn nhân; thành lập các đội cấp cứu lưu động. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và 100% Trung tâm Y tế huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, hóa chất xử lý vệ sinh và phòng chống dịch trong và sau thiên tai, lụt, bão đồng thời thành lập các đội phòng chống dịch cơ động. 100% Trạm Y tế và Phòng khám Đa khoa khu vực có thành lập tổ cứu hộ cứu nạn và tổ cấp cứu lưu động. 100% đơn vị y tế tỉnh, huyện, thị đều có kế hoạch, phương án phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn. Tất cả nhằm huy động các nguồn lực y tế triển khai các hoạt động cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân khi có thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Đó là: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Ngành y tế luôn chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện trang bị y tế đáp ứng kịp thời cho yêu cầu phòng chống thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các lực lượng y tế khác (Quân y, Y tế ngành, Y tế tư nhân) tại địa phương, xây dựng phương án hỗ trợ ứng cứu kịp thời khi có thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác xảy ra. Tổ chức triển khai hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bị tai nạn thương tích theo từng tuyến; tiến hành các biện pháp vệ sinh phòng dịch; khắc phục hậu quả do thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác gây ra.

Bên cạnh đó, ngành cũng tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho người dân trước tình hình thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác đang xảy ra bất thường trên địa bàn tỉnh, giúp mọi người biết tự cứu mình và giúp đỡ người khác khi bị nạn nhằm giảm tổn thất về con người và của cải khi có thiên tai - thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác xảy ra. Các cơ sở y tế cũng thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu ở các cấp theo quy định, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo theo quy định về công tác phòng chống thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác.

Nhân lực cho việc triển khai ứng cứu khi có lũ lụt xảy ra và phòng chống dịch bệnh do thiên tai gồm một đội phẫu thuật, cứu chữa cơ bản của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 16 người, 4 đội cấp cứu lưu động (mỗi đội có 1 xe cứu thương), 2 đội vệ sinh phòng dịch cơ động của Trung tâm YTDP tỉnh (mỗi đội có 1 xe và 4 người). Ở cấp huyện, thị và Bệnh viện Cao su Dầu Tiếng cũng được chỉ đạo triển khai 2 đội cấp cứu lưu động, phòng dịch lưu động... Ở cấp xã, mỗi Trạm Y tế có 1 - 2 tổ y tế làm công tác cứu hộ cứu nạn. Phòng khám Đa khoa khu vực cũng thành lập 1 tổ cấp cứu lưu động. Sở Y tế cũng chỉ đạo phân tuyến điều trị khi có bệnh dịch xảy ra sau ngập lụt để có phương án khám điều trị kịp thời, tích cực.

BS. Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc đề phòng bệnh dịch sau lũ lụt hay những vùng ngập do triều cường là xử lý nguồn nước ô nhiễm, tẩy uế, tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh nơi ngập lụt hoặc xử lý xác súc vật chết nếu có. Tuy nhiên, với mức độ ngập lụt của một số nơi ở Bình Dương như thời gian qua chưa đáng ngại với bệnh dịch do nước lên nhanh, rút nhanh. Đến nay, chưa có huyện, thị nào báo cáo về tình trạng cần xử lý khẩn cấp việc phòng chống bệnh do ngập lụt hay triều cường. Tất nhiên, công tác y tế dự phòng vẫn luôn sẵn sàng 24/24 về cơ số thuốc dự trữ, con người để kịp thời ứng phó. Theo ghi nhận chung của ngành, có thể nói, một số nơi ngập lụt trong thời gian qua ở Bến Cát, TP.TDM, TX.Thuận An chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, về y tế chưa có dịch, bệnh xảy ra sau lũ, do ngập úng…

Sở Y tế vừa ra thông báo gửi các đơn vị y tế trong và ngoài công lập, các công ty phân phối thuốc trên địa bàn tỉnh về việc đình chỉ lưu hành 2 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

• QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên