Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri

Cập nhật: 24-06-2013 | 00:00:00

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 24/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1.        

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Trần Du Lịch thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri một số kết quả chính của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vừa qua. Các cử tri bày tỏ hoan nghênh kỳ họp Quốc hội thứ 5 đã làm việc hết sức nghiêm túc và hiệu quả, đặc biệt việc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc dân lấy ý kiến cử tri về các dự án luật như Luật Đất đai, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được cử tri đánh giá cao.

  Chủ tịch nước thăm hỏi cử tri quận 1, TP Hồ Chí Minh Bên cạnh đó, các cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc sau kỳ họp thứ 5, những Nghị quyết được thông qua, những lời hứa của Chính phủ, thành viên Chính phủ sẽ được thực hiện. Cử tri đề nghị cần phải kiểm soát tốt hơn nữa nợ công, thu chi ngân sách hợp lý, phải xây dựng kế hoạch trung hạn phục hồi kinh tế, nhất là phải có giải pháp đột phá về phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, các lĩnh vực quản lý đất đai, bất cập trong chăm sóc cho người nghèo, chế độ tiền lương, chính sách đối với người có công, tình trạng buôn lậu gia tăng, bất cập trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm... được nhiều cử tri tập trung phản ánh.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp boăn khoăn của cử tri về hiệu lực hiệu quả của các Nghị quyết được thông qua và lời hứa thực hiện của các thành viên Chính phủ có được thực hiện, Chủ tịch nước khẳng định, cử tri có quyền giám sát việc thực hiện này, đặc biệt là trong các kỳ họp tiếp theo, các thành viên đã trả lời chất vấn phải có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội và cử tri. Nếu thành viên nào trả lời không rõ và chưa thỏa mãn, cử tri có quyền chất vấn lại thông qua vai trò của đại biểu Quốc hội.

Về công tác phòng chống tham nhũng lãng phí, Chủ tịch nước cho rằng, vừa qua đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, bên cạnh đó đang hoàn thiện quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để nhân dân tăng cường giám sát. Chủ tịch nước thừa nhận thực tế việc tổ chức rình rang nhiều lễ hội, lễ khởi công các công trình gây lãng phí, tới đây việc này sẽ được chấn chỉnh.

Đề cập thắc mắc của cử tri về việc thực hiện kê khai tài sản của cán bộ công chức chưa mang lại hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng, giải pháp đã có nhưng thực tế còn có những tồn tại đó là cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng có khó khăn khách quan như việc chúng ta hiện vẫn đang thanh toán bằng tiền mặt, chưa qua ngân hàng nên rất khó cho việc kiểm soát thu nhập.

Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri cần phát huy vai trò giám sát, phê phán những điểm gì chưa được để các cán bộ biết và sửa chữa cũng như giúp các cơ quan chức năng xử lý những cán bộ vi phạm. Đảng và Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và góp ý của nhân dân. Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng với các đại biểu nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của cử tri.

** Cũng trong sáng 24/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tiếp xúc cử tri.        

Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh  báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, cử tri Đắk Lắk đánh giá cao chất lượng kỳ họp, những vấn đề được bàn thảo tại kỳ họp này cũng là những vấn đề được cử tri quan tâm. Đặc biệt, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được cử tri rất đồng tình.

Cử tri Đắk Lắk đề nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật về dân tộc để các chính sách dân tộc được nghiêm túc thực hiện thống nhất. Đồng thời kiến nghị đầu tư mạnh mẽ hơn cho khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để thu hút đầu tư thuận lợi hơn.

Riêng vấn đề tạo việc làm, đặc biệt là việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết chính sách cho dân di cư tự do cũng được cử tri kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Cử tri Đắk Lắk cũng đề nghị các cơ quan Trung ương sớm có ý kiến về hoạt động của các công ty lâm nghiệp vì hiện nay các đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần có quy định thống nhất trong việc in ấn, phát hành hóa đơn đối với các doanh nghiệp thu mua cà phê để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, hưởng lợi bất hợp pháp từ việc mua bán hóa đơn lòng vòng.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng giải đáp những kiến nghị của cử tri và cho rằng, những vấn đề cử tri kiến nghị cũng là những vấn đề Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm và đang nghiên cứu để có chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tới đây triển khai Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Hội đồng Nhân dân, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm phải tôn trọng quyền báo cáo, quyền giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; đề cao trách nhiệm của các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân các cấp trong việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Việc thực hiện sẽ phải được nhân dân giám sát. Sau khi có kết quả lấy, bỏ phiếu tín nhiệm, Hội đồng Nhân phải báo cáo và công khai tới nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có trách nhiệm tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân về các đại biểu để sao cho việc lấy phiếu, bỏ phiếu được khách quan, công tâm.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên