Chủ trương liên kết “3 nhà” và những bài học kinh nghiệm

Cập nhật: 09-01-2013 | 00:00:00

Bài 1: Một mình chống chiến dịch “lấy thịt đè người”!

Bài 2: Cần có sự liên kết chặt chẽ

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là chấp nhận “luật chơi”. Đảng, Nhà nước cũng đã chuẩn bị điều này bằng chủ trương liên kết “3 nhà” để đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, đến khi “vào cuộc” mới thấy mối liên kết trên chưa thật sự bền vững!

Họ “làm giá” để làm gì?

Đây là câu hỏi xuyên suốt và cũng chính là lời lý giải của những nhà chăn nuôi trong nước trước hiện tượng rớt giá thê thảm của các mặt hàng thịt heo, gà và cả rau củ quả thời gian qua, trong khi diễn biến thị trường rất bình thường. Một người chăn nuôi kỳ cựu đưa ra công thức bán hàng hiện nay để lý giải cho câu hỏi trên như sau: Muốn bán heo, gà trước tiên người chăn nuôi phải “tham chiếu” giá của CP đưa ra, từ đó thương lái sẽ căn cứ vào chất lượng thực tế sản phẩm của người bán mà quyết định giá. Tại sao có căn cứ này? Thật quá dễ, vì CP là tập đoàn lớn, có quy mô hoạt động toàn cầu bằng quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn, nên đầu vào cái nào cũng rẻ so với mặt bằng chung của thị trường và đầu ra là do họ quyết định, vì họ đang nắm hơn 50% thị phần sản phẩm chăn nuôi hiện nay!    Người chăn nuôi tìm mọi cách để hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Trong ảnh: Sử dụng phế phẩm chăn nuôi làm biogas chạy máy phát điện phục vụ chăn nuôi tại một trang trại chăn nuôi heo

Ông Nguyễn Văn Anh, một người có thâm niên chăn nuôi đặt câu hỏi: “Vì sao thời gian qua giá thịt heo cùng các sản phẩm chăn nuôi khác bỗng nhiên mất giá thê thảm, phải chăng các tập đoàn chăn nuôi đã cố tình hạ giá để dìm chết các trang trại chăn nuôi trong nước để độc chiếm thị trường?”.

Là người đam mê và gắn bó với ngành chăn nuôi, ông Đoàn Nam Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Tam Nông, nêu quan điểm: “Theo luật thì các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài “chơi” có bài và rất đúng luật! Ở nước ngoài, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á việc sử dụng ngân sách Nhà nước là không đơn giản. Các bộ ngành muốn nhận 1 đồng tiền ngân sách thì phải có phương án, kế hoạch phát huy đồng vốn đó thành nhiều đồng để bảo đảm đồng tiền đóng thuế của dân được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Quy luật tự nhiên hay quy luật thị trường cũng đều có chuyện “cá lớn nuốt cá bé”. Điều quan trọng là chúng ta đang “chơi” trong một sân chơi có tổ chức, theo định hướng tất cả cùng có lợi, có sự quản lý của Nhà nước… Nên cốt lõi của vấn đề là phải bền vững hóa mối liên kết “3 nhà” để “cá bé” vẫn chung sống hòa bình cùng “cá lớn”. Muốn vậy Nhà nước phải giữ vai trò của người “chủ sân” và đồng hành cùng các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông trong suốt cuộc chơi, như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển từng nhắc nhở là đừng để nhà nông tự bơi”.

Cần tạo mối liên kết bền vững

Nói đến vấn đề liên kết “3 nhà”, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, giảng viên khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một, nêu ý kiến: “Chúng ta kêu gọi liên kết 3 nhà, nhưng nhà băng (ngân hàng) có lý lẽ riêng bởi thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Do đầu ra của ngành chăn nuôi không ổn định, nên chưa thu hút được sự quan tâm của nhà băng. Tại thời điểm này, khi giá thịt heo đang lên lẽ ra ngân hàng cũng nên linh động xem xét cho vay trong thời gian ngắn giúp nhà chăn nuôi có cơ hội phát huy giá trị gia tăng, gỡ lại vốn vào dịp cuối năm, nhưng phía ngân hàng thì lại án binh bất động. Một khoảng cách khác nữa là hiện nay Nhà nước quá quan tâm đến lĩnh vực thương mại, công nghiệp mà ít chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là Nhà nước có quỹ bình ổn giá, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khuyến công…, nhưng các quỹ dành cho ngành nông nghiệp thì còn quá ít và khi nông dân muốn tiếp cận các quỹ này cũng có quá nhiều rào cản!”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, để mối liên kết “3 nhà” ngày càng chặt chẽ, bền vững hơn, cần có sự quan tâm đồng bộ, kết hợp với việc phát huy tốt vai trò của các hội như Hội Nông dân, Hội Chăn nuôi và tiếng nói của các đoàn thể khác. Các hội này sẽ thay mặt, đại diện bảo lãnh cho nông dân trong các quan hệ vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính xã hội. Đặc biệt, các cơ quan tham mưu cần nhạy bén và chủ động đề xuất cho Nhà nước kịp thời xây dựng và bố trí hàng rào kỹ thuật hợp lý để vừa tránh thất thu thuế của Nhà nước, vừa bảo vệ tốt người sản xuất trong nước trước sự “tấn công” hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật của hàng hóa nước ngoài.

 Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Bình Dương Đoàn Thị Tấn: “Bảo đảm đủ nguồn vốn cho ngành nông nghiệp…”

Theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Dương đang có chế độ ưu đãi cho người chăn nuôi với lãi suất chỉ 11%/năm và đến nay số người vay vẫn chưa đạt kế hoạch. Ngân hàng bảo đảm cung cấp đủ nguồn vốn phục vụ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, người chăn nuôi khi vay tiền vẫn phải bảo đảm các quy định chung như tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh…

Đại biểu HĐND xã Hưng Định, TX.Thuận An Trần Anh Tuấn: “Chúng tôi vẫn không nản chí…”

Người chăn nuôi lỗ liên miên là do giá cả thị trường xuống thấp và kéo dài, kéo theo việc “treo chuồng” hay phải rao bán trang trại vì… hết vốn! Thử hỏi ai làm ăn mà không vay vốn ngân hàng. Do vậy, điều kiện “sạch nợ” mà ngân hàng đưa ra đã đánh rớt người chăn nuôi ngay từ vòng “gửi xe”! Dù chăn nuôi có lúc thua lỗ nhưng chúng tôi vẫn không nản chí và không dễ bỏ cuộc. Phải biết vì sao mình thua để lần sau tiến tới “huề” và vững niềm tin chiến thắng ở “sân nhà” hiệp kế tiếp. Vấn đề là mối liên kết “3 nhà” phải vững bền để nhà nông chúng tôi vững niềm tin.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên