Chuẩn bị tốt mọi mặt để công nghiệp hỗ trợ phát triển

Cập nhật: 11-10-2019 | 07:43:04

 Theo Sở Công thương, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là tất yếu, xuất phát từ đòi hỏi của nền sản xuất công nghiệp mới với nội dung cơ bản là chuyên môn hóa sâu các công đoạn của quá trình sản xuất. Do vậy, ngành công thương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty CNC, Khu công nghiệp Đồng An (TX.Thuận An). Ảnh: MY PHAN

 Hướng đi tất yếu

Thực tiễn ở một số nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã chứng minh sự phát triển đúng hướng của ngành CNHT là tiền đề quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân; phát triển CNHT trở thành nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, CNHT phát triển góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm giá thành sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào “bên ngoài”, bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế. Đồng thời, CNHT phát triển góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy cao độ các yếu tố nội lực, phát triển nguồn nhân lực, mối liên kết công nghiệp và sử dụng công nghệ cao; tăng giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, CNHT đáp ứng một cách linh hoạt, kịp thời trước nhu cầu phải thay đổi tính năng, kiểu dáng, mẫu mã, dây chuyền, công nghệ của nhà sản xuất công nghiệp do thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, phát triển CNHT sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp mà CNHT đi trước một bước để “mở đường”.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của CNHT. Đơn cử như Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một danh mục các sản phẩm được ưu tiên hỗ trợ rất chi tiết và cụ thể, trong đó chú trọng đến CNHT, từ nguyên liệu đầu vào, máy móc sản xuất, các linh kiện quan trọng cho đến cả chu trình gia công và các thiết bị kiểm tra đầu cuối. Các chính sách trên đã giúp ngành CNHT của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, đưa Nhật Bản từ một quốc gia bị tàn phá trong chiến tranh trở thành cường quốc về công nghiệp.

Để đánh giá tầm quan trọng của CNHT tại Nhật Bản, có thể đánh giá ngành công nghiệp Sokeizai (Sokeizai là một thuật ngữ của Nhật Bản, nhằm chỉ các sản phẩm được sản xuất từ kim loại hoặc các nguyên liệu khác sử dụng phương pháp chế biến, gia công là đúc, rèn, dập và luyện kim bột). Từ ngành công nghiệp này, Chính phủ Nhật Bản nhìn nhận rằng không có sự phát triển của ngành công nghiệp máy móc nếu thiếu công nghiệp Sokeizai.

Tại Hàn Quốc, đầu những năm 60 của thế kỷ trước chính phủ đã vạch ra chiến lược chọn một số tập đoàn mạnh để phát triển kinh tế quốc gia theo hướng xuất khẩu, đồng thời thay thế hàng nhập khẩu. Sự hợp tác giữa chính phủ với các chaebol (các tập đoàn, công ty lớn thuộc sở hữu của gia đình) đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo nên những thành công đáng kinh ngạc của Hàn Quốc.

Trong giai đoạn này, nhằm nhanh chóng phát triển và bảo đảm những công ty này hoạt động theo định hướng của nhà nước, chính phủ đã cung cấp nhiều ưu đãi cho các chaebol như chỉ thị các ngân hàng nhà nước cung cấp vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, đồng thời thực hiện giám sát tài chính đối với các khoản nợ ưu đãi, bảo lãnh các khoản vay tín dụng nước ngoài, giảm thuế, ưu đãi hạ tầng...

Không can thiệp sâu như Hàn Quốc, chính quyền lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đóng vai trò xúc tác liên kết thông qua hỗ trợ tài chính. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hệ thống hạt nhân vệ tinh được triển khai với 3 liên kết chính: Nhà cung cấp và nhà lắp ráp, người sử dụng hạ nguồn và nhà cung cấp nguyên liệu chính, 18 nhà thầu phụ và thương gia. Chính quyền trợ giúp các liên kết này thông qua hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn quản lý và tài chính. Các doanh nghiệp hạt nhân tham gia chương trình được trợ cấp tài chính, giám sát, phối hợp và cải tiến hoạt động các doanh nghiệp vệ tinh. Doanh nghiệp vệ tinh tự nguyện tham gia để nâng cao hiệu quả và tìm khách hàng. Hệ thống này rất thành công, góp phần chia sẻ thông tin và tạo cơ chế để chính quyền thực thi các chính sách.

Hiện nay, Đài Loan đã là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các sản phẩm CNHT điện tử, như các loại bo mạch chủ, linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, màn hình, máy quét... Thành công này một phần là do chiến lược phát triển CNHT đứng đắn của chính quyền lãnh thổ Đài Loan.

Ngành công thương góp sức

Nhằm phát triển công nghiệp bền vững, những năm qua tỉnh đã xây dựng 29 khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên vốn đầu tư vào ngành CNHT, chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Trên địa bàn tỉnh còn có 12 cụm công nghiệp với diện tích 790 ha.

Theo chủ trương của tỉnh, trong thời gian tới địa phương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển các ngành CNHT; sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, để ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu, tới đây tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh của tỉnh theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ...

Thời gian qua, từ các nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn về máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Trong năm 2019, nguồn vốn khuyến công của tỉnh ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực CNHT, thúc đẩy hình thành chuỗi sản xuất cũng như tăng cường kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, sở nhận hồ sơ xét công nhận doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Hiện Sở Công thương đã và đang phối hợp với các ngành triển khai đề án cơ sở dữ liệu về thông tin doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Đề án sau khi hoàn thành sẽ là nguồn thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, hình thành nên chuỗi sản xuất tại địa phương.

 Tiến sĩ Nguyễn Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho biết trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa kinh tế như hiện nay, các nền kinh tế đang có xu hướng hợp nhất và trở thành một bộ phận, một hệ thống quan trọng trong mạng lưới hợp tác phân công lao động toàn cầu. Mọi quốc gia muốn phát triển phải gắn phân công lao động quốc gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế.

Khi trình độ phân công lao động quốc tế và sự phân chia quá trình sản xuất đạt đến mức độ cao, không một sản phẩm công nghiệp nào được sản xuất tại một không gian, địa điểm hay một công ty duy nhất của một quốc gia. Chúng được phân chia thành nhiều công đoạn ở các công ty cắm nhánh tại các địa phương, quốc gia, châu lục khác nhau.

 MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2017
Quay lên trên