Cơ hội nào giúp thanh niên tìm được việc làm ổn định?

Cập nhật: 12-06-2012 | 00:00:00

Kỳ 2: Cơ hội nào giúp thanh niên tìm được việc làm ổn định?

Lực lượng lao động thanh niên có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương nên thời gian vừa qua ngoài tư vấn, hướng nghiệp, các tổ chức Đoàn đã có sự phối kết hợp với các ban, ngành trong đào tạo nghề cho thanh niên. Đặc biệt với thanh niên trên địa bàn các khu công nghiệp, nhiều TNCN làm việc tại các cụm, khu công nghiệp song không có tay nghề nên việc làm không ổn định. Vì vậy, việc mở lớp đào tạo nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh các làng nghề đã thu hút một lượng lớn thanh niên có việc làm giúp họ có thu nhập và cuộc sống ổn định...

Nâng cao trình độ TNCN

Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của tỉnh đã thu hút một lượng lớn LĐ trong cả nước đến làm việc trong các DN, chủ yếu là các cơ sở công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 750.000 công nhân LĐ, trong đó, LĐ trẻ chiếm hơn 70%; hàng năm cần thêm từ 30.000 - 40.000 LĐ/năm trong khi lực lượng LĐ tại chỗ của tỉnh chỉ cung ứng được hơn 1/3 nhu cầu. Do vậy, hàng năm Bình Dương phải thu hút LĐ ngoài tỉnh khoảng trên 20.000 người. Số LĐ ngoài tỉnh hiện đang làm việc trong các khu công nghiệp chiếm 90%, tính chung cho các loại hình DN, LĐ ngoài tỉnh chiếm 60%. 

Sàn việc làm luôn thu hút thanh niên công nhân đến tìm việc

Theo ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thì: “Tuổi bình quân của LĐ trong các DN khá thấp, từ 23 đến 32 tuổi. Về trình độ học vấn, công nhân ở các DN được khảo sát có học vấn trung học phổ thông: 56,54%, trung học cơ sở: 25,74%, tiểu học: 15%, không biết chữ: 1,28% và chưa xác định được là 1,44%. Tỷ lệ công nhân không biết chữ và học vấn thấp tăng lên trong các năm qua là kết quả của tình trạng thiếu hụt LĐ (cung không đủ cầu) dẫn đến các DN liên tục hạ thấp tiêu chuẩn về học vấn trong tuyển dụng LĐ, các đơn vị môi giới, cung ứng LĐ đã tăng cường khai thác nguồn LĐ ở các vùng quê xa xôi hẻo lánh, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sống và trình độ học vấn thấp. Về trình độ chuyên môn, nếu tính cả số LĐ do DN đào tạo thì tỷ lệ người LĐ đã qua đào tạo ở những DN được khảo sát là 58%, còn nếu không tính số LĐ do DN đào tạo thì tỷ lệ này chỉ là 16,42%. Điều đáng lưu tâm ở đây là theo ý kiến của nhiều người sử dụng LĐ thì cả việc đào tạo nghề tại DN và tại các cơ sở dạy nghề đều có hai mặt: ưu điểm và nhược điểm, chưa có sự gặp nhau giữa người đào tạo LĐ và người sử dụng LĐ. Cụ thể như đào tạo ở các cơ sở dạy nghề: Đào tạo nghề theo chương trình, giáo trình soạn sẵn cho nên sau khi được đào tạo, người học biết được tổng thể, khái quát về ngành nghề đã học, thực hành một số giờ nhất định theo chương trình học và trên máy móc của cơ sở dạy nghề. Khi được DN bố trí vào một công đoạn sản xuất cụ thể, sử dụng máy móc sản xuất của DN thì người LĐ bộc lộ rõ sự yếu kém về kỹ năng LĐ, không đạt yêu cầu về năng suất và chất lượng. Do vậy DN phải kèm cặp lại từ đầu. Đào tạo ở các DN: DN tuyển LĐ phổ thông, chỉ dẫn, kèm cặp để người LĐ tác nghiệp tại một công đoạn sản xuất cụ thể để làm việc hàng ngày. Do chỉ thực hành tại một công đoạn cố định và trên máy móc sản xuất của DN ngay từ đầu nên người LĐ nhanh chóng làm việc đạt yêu cầu về năng suất và chất lượng. Tuy vậy, nếu do yêu cầu của điều hành sản xuất mà bố trí người LĐ sang công đoạn khác thì phải kèm cặp lại từ đầu.

Những chính sách chăm lo

Ủy viên Ban Thường vụ Thị đoàn Dĩ An Nguyễn Hoài Phương cho biết: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thị đoàn đã tuyên truyền hướng nghiệp cho thanh niên, TNCN, nhân dân giúp thanh niên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và các nội dung của công tác nghề nghiệp và việc làm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng tháng trong các cuộc họp giao ban Đoàn - Hội và các cuộc sinh hoạt với các chi hội TNCN, thanh niên địa phương thì các cấp bộ Đoàn thường xuyên nhắc nhở và đôn đốc cơ sở tổ chức tuyên truyền và vận động đoàn viên, hội viên, thanh niên, TNCN, thanh niên nhà trọ tham gia sinh hoạt tại các chi hội khu phố. Qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp, thông qua đó khuyến khích thanh niên chọn nghề để học, lựa chọn việc để làm; góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điển hình thời gian qua BTV Thị đoàn phối hợp với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho thanh niên với nhiều chế độ ưu đãi như: miễn phí hoặc miễn giảm học phí, phụ cấp tiền xăng khi đi học, được thực hành trên các dụng cụ tiên tiến... Từ đó thấy rằng việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường là hết sức quan trọng. Tại DN, chính sách đào tạo của DN luôn quan tâm tạo mọi điều kiện giúp TNCN phát triển nghề nghiệp của mình. Vũ Văn Vương, đại diện Công ty TNHH Điện tử Foster cho biết: “Công ty luôn coi con người là tài sản quý giá mang lại thành công cho DN. Do đó quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của người LĐ chính là góp phần mang lại lợi ích cho người LĐ và thành công cho công ty. Foster tạo mọi điều kiện giúp mỗi cá nhân phát triển nghề nghiệp đồng thời xây dựng một lực lượng nhân viên chuyên nghiệp cho công ty. Ở Foster, các chương trình học tập đều xuất phát từ nhu cầu cụ thể. Foster khuyến khích nhân viên chủ động trong học tập và phát triển nghề nghiệp của bản thân. Phòng đào tạo đóng vai trò hỗ trợ và hướng dẫn việc học tập và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên. Foster đa dạng hóa phương thức đào tạo nhằm tạo cho nhân viên nhiều cơ hội học tập và phát triển. Các phương thức học tập cho nhân viên gồm có: Học trên lớp, học tập ngay trong công việc, học tập từ các nguồn khác. Với nhân viên quản lý, điều hành của Foster cũng được chú trọng đào tạo chuyên sâu về quản trị nhân sự, quản lý rủi ro, quản lý chất lượng... Công ty cũng khuyến khích và thúc đẩy sự chia sẻ kỹ năng, tri thức giữa các thành viên trong công ty trên tinh thần một tổ chức không ngừng học tập để chuẩn bị tạo nền tảng cho sự phát triển liên tục và bền vững. Về chủ trương, tất cả công nhân viên của Foster đều có cơ hội tham dự các lớp huấn luyện đào tạo nghiệp vụ theo nhu cầu công việc bên trong và bên ngoài công ty, được công ty tài trợ mọi chi phí. Đối với nhân viên mới tuyển dụng, Foster tổ chức các khóa đào tạo liên quan như: khóa học về hội nhập môi trường làm việc, các sản phẩm của Foster... Đối với cán bộ quản lý, Foster thường xuyên tổ chức các khóa học như: khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý; các khóa học về kỹ năng liên quan; các khóa học nâng cao và cập nhật, bổ sung kiến thức về nghiệp vụ. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các nhà máy ở nước ngoài, Foster cũng đã tổ chức các khóa học tại nước ngoài để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho công nhân viên Foster.

Giải pháp nào để tăng cơ hội việc làm?

Theo ông Nguyễn Tầm Dương, để bảo đảm việc làm và cải thiện đời sống, cần đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo nghề cho TNCN. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều trường nghề và trung tâm dạy nghề cho nên thuận tiện cho việc học nghề của TNCN. Tuy nhiên, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích DN và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm tạo điều kiện về thời gian, học phí... song song với việc tuyên truyền tạo nhận thức và quyết tâm học nghề của TNCN, trong đó tuyên truyền tạo nhận thức và quyết tâm tự học cho TNCN có ý nghĩa hết sức quan trọng. Và thực tiễn các năm qua đã có không ít TNCN bằng nỗ lực tự học đã trang bị cho mình một trình độ nghề nghiệp nhất định, từ đó thay đổi công việc, thu nhập của bản thân theo hướng tích cực. Ông Đặng Quang Việt, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Dương kiến nghị: Xây dựng các chương trình, dự án quốc gia về dạy nghề. Chương trình dạy nghề trình độ cao cấp cho các khu sản xuất tập trung KCN, chương trình dạy nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chương trình đào tạo lại, chuyển nghề cho người LĐ mất việc làm, thất nghiệp; chương trình dạy nghề cho nhóm yếu thế còn khả năng LĐ, đặc biệt là người tàn tật. Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo (ở nhà trường) và sản xuất (ở DN) thông qua một số hình thức.

Quy định các DN với quy mô nhất định phải có trách nhiệm đào tạo thực hành cho các trường chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề. Có chính sách khuyến khích các trường nghề, các cơ sở dạy nghề phát triển sản xuất. Khuyến khích phát triển mô hình nhà trường trong DN: cho phép các DN có quy mô lớn có thể mở trường dạy nghề cụ thể là các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN. Nhà nước hỗ trợ thông qua chính sách miễn thuế đất, cho vay vốn, đầu tư mở trường, hỗ trợ đào tạo, cho thuê cơ sở vật chất để mở trường với giá ưu đãi. Theo anh Nguyễn Hoài Phương để làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên, các cấp bộ tổ chức Đoàn, Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tập hợp theo phương châm: Bám sát nhiệm vụ chính trị, thiết thân với thanh niên và thiết thực với xã hội, đặc biệt cần nhân rộng các phong trào sáng tạo, thu hút rộng rãi TNCN, tiếp tục thành lập các “tổ, nhóm thanh niên giúp nhau lập nghiệp”. Trong điều kiện hiện nay thì việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, chi hội, đội, nhóm là hết sức cần thiết và hiệu quả. Vì vậy trong thời gian tới cần mở rộng hơn nữa các loại hình CLB, chi hội theo từng ngành nghề của thanh niên sẽ sát thực, thiết thân với cuộc sống của thanh niên làm được như vậy, tỷ lệ tập hợp thanh niên sẽ ngày một tăng, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội ngày càng vững mạnh, góp phần vào công tác tập hợp quần chúng trong khối đại đoàn kết các dân tộc trong thị xã, tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên