Công nghiệp tiếp đà phát triển bền vững

Cập nhật: 28-12-2023 | 08:14:27

Dù gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp năm 2023 vẫn có những điểm sáng được ghi nhận. Bước sang năm 2024, ngành công nghiệp tiếp tục đổi mới theo hướng phát triển bền vững hơn.

 Sản xuất tại Công ty Kolon, Khu công nghiệp Bàu Bàng

Tạo dựng cơ hội

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết những tháng cuối năm 2023, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lạm phát ở các nước trên thế giới tăng cao và kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng mạnh, nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục nhưng không ổn định. Các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, nhanh chóng ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó góp phần cho sản xuất công nghiệp trong năm 2023 của tỉnh phục hồi khá tích cực, đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 ước tăng 5,95% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,1%, tạo ra “điểm sáng” trong hành trình phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết thêm, ngành công thương đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công nhiều hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và DN trong năm 2023. Qua đó rất nhiều ý kiến, kiến nghị đã được ghi nhận, giải đáp. Trong năm, ngành công thương đã thực hiện hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn với số tiền gần 3 tỷ đồng, thu hút khoảng 6 tỷ đồng vốn đối ứng từ các DN. 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã tăng trở lại. Nhiều DN trong tỉnh thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, DN tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Duy Nhật Luân, Giám đốc kỹ thuật Công ty Takakao Việt Nam (VSIP I), cho rằng để phát triển công nghiệp bền vững, trong thời gian tới cần xây dựng các chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… Cùng với đó cần tạo cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, tín dụng cho các DN; đồng thời, tiến hành các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các DN, thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp.

Tăng tốc phát triển

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2024, phấn đấu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so cùng kỳ, ngành công thương đã tập trung bám sát kịch bản tăng trưởng và những giải pháp trọng tâm cần thực hiện đã được Bộ Công thương, UBND tỉnh chỉ đạo; thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh DN, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Sở Công thương tiếp tục đồng hành cùng DN, thật sự là “cầu nối” kịp thời cung cấp các thông tin, kiến nghị của các DN, hiệp hội ngành hàng đến lãnh đạo tỉnh để có hướng chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ.

Sở Công thương sẽ hoàn thiện kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp, rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương. Ngành sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai Đề án hỗ trợ DN nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phía bắc; tập trung phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao, logistics, đẩy mạnh các loại hình phân phối hiện đại trên hạ tầng thương mại điện tử; tái cơ cấu ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, công nghiệp hỗ trợ… theo hướng xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết ngành công thương sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành điện đầu tư phát triển lưới điện trung thế và trạm biến áp theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; kịp thời tham mưu giải quyết những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lĩnh vực điện tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xây dựng.

 Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới, cho rằng việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái ở Bình Dương sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử carbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư cũng như các khu công nghiệp; đồng thời sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, tiết kiệm chi phí, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên