Đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cấp xã

Cập nhật: 27-12-2011 | 00:00:00

Bình Dương hiện có 91 đơn vị hành chính cấp xã (60 xã, 25 phường, 6 thị trấn). Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trước đây đa số là cán bộ hưu trí, bộ đội phục viên về tiếp tục tham gia công tác ở cơ sở. Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt này là vấn đề rất cấp thiết.

Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Tỉnh ủy đã quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ trẻ đủ chuẩn cho cấp xã. Có thể nói, việc tạo nguồn cán bộ cấp xã được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Ngay từ năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TU về công tác cán bộ để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH... Từ năm 1997 đến nay, tỉnh đã tổ chức 5 khóa học nguồn cho cán bộ cấp xã với 520 học viên. Hiện toàn tỉnh có 457 người sau khi ra trường đang làm việc ở HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn; trong đó, có 16 người là bí thư, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã; 27 người là phó chủ tịch; có người được bổ nhiệm phó chủ tịch HĐND huyện; một số công tác ở các phòng, ban cấp huyện và sở, ngành cấp tỉnh...

Qua 10 năm thực hiện chiến lược cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng đã được nâng lên rõ rệt. Trong 520 cán bộ chủ chốt là bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã có 175 người trên 50 tuổi, chiếm tỷ lệ 33,66%; có 34,6% cán bộ tốt nghiệp đại học; 44,42% cán bộ có trình độ trung cấp quản lý Nhà nước trở lên và 6,54% cán bộ có trình độ học vấn THCS. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã phần lớn chưa đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh. Trong đó, cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND) còn nhiều hạn chế về kiến thức, quản lý Nhà nước, nghiệp vụ hành chính so với cán bộ làm công tác chuyên môn. Công tác cán bộ ở cơ sở còn lúng túng, quy hoạch còn chắp vá, nguồn cán bộ cho quy hoạch ít, chất lượng chưa cao...

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện Chương trình hành động số 20-CtrHĐ/TU ngày 20-7-2011 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, Bình Dương xây dựng Đề án “Tuyển chọn và đào tạo 200 cán bộ trẻ làm lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã”. Ứng viên tham gia đề án sau khi đào tạo phải đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, am hiểu về hệ thống chính trị cơ sở, nắm vững các kỹ năng của cán bộ chủ chốt, theo từng chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã; đồng thời đạt trình độ ngoại ngữ (Anh văn) mức tối thiểu IELTS 3.5 trở lên. Những người đạt yêu cầu khóa học, khi ra trường được bố trí công tác về các xã, phường, thị trấn và được quy hoạch, bố trí, giới thiệu ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã.

Để tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã, thời gian tới, Bình Dương đề ra một số giải pháp, đó là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về phát triển nguồn nhân lực, coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo ra chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện, thông qua các kế hoạch, quy hoạch về phát triển nhân lực. Tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, phát huy tài năng, cán bộ, công chức có trình độ, hiệu suất công tác cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức được đi đào tạo, bồi dưỡng và thu hút người có trình độ cao về địa phương công tác. Liên kết với các trường đại học để thu hút, tuyển chọn sinh viên đã tốt nghiệp loại giỏi ở các trường trong và ngoài tỉnh về công tác. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực. Đổi mới công tác tuyển dụng, mở rộng đối tượng tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân lực trong hệ thống chính trị cấp cơ sở. Hoàn thiện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý về phát triển nhân lực. Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tích lũy kinh nghiệm, phát huy năng lực để xem xét đề bạt, bổ nhiệm gắn với xây dựng cơ chế, chính sách cho luân chuyển cán bộ về cơ sở.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Có chính sách, biện pháp thu hút đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất... vừa là giải pháp cấp thiết trước mắt, vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới chính sách cán bộ cấp xã cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch và cán bộ đương chức cấp xã của trường Chính trị tỉnh, theo phương châm: lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành. Cải tiến phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ, sáng tạo của người học, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, xử lý tình huống... Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, đào tạo suốt đời. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cơ bản, thiết thực; trang bị phương tiện, điều kiện cần thiết để cán bộ chủ chốt cấp xã hoàn thành nhiệm vụ, như máy tính, thiết lập các trang web nội bộ (mạng LAN), để có thể cập nhật các văn bản của Đảng, Nhà nước, cấp trên và các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, kịp thời. 

VÕ CHÂU LOAN   
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=328
Quay lên trên