Đầu ra cho nông sản: Nỗi lo thường trực của nông dân

Cập nhật: 25-07-2012 | 00:00:00

Đầu ra cho nông sản vẫn là nỗi lo thường trực của nhiều nông dân Bình Dương. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ kích thích nông dân mở rộng đầu tư sản xuất, qua đó góp phần thúc đẩy nông nghiệp Bình Dương ngày càng phát triển.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Trước tốc độ công nghiệp hóa- đô thị hóa nhanh, tỷ trọng ngành nông nghiệp ngày càng giảm dần trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp hàng năm vẫn tăng. Trong năm 2011, giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh đạt 2.802 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2010.

 Đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán khó cho nhiều nông dân, nhất là đối với những nông dân làm ăn nhỏ lẻ

Để có thể đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, tạo ra sự liên kết trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, nhiều vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi đã được hình thành. Một số vùng chuyên canh rau ở Tân Uyên và Bến Cát, nông dân đã biết liên kết cùng nhau làm ăn và sản phẩm do họ làm ra đã được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Sự liên kết này đã giúp họ có được nguồn sản phẩm lớn và ổn định để cung ứng cho đối tác; áp dụng phương pháp canh tác tiến bộ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết trong sản xuất, nông dân Bình Dương cũng đã chú ý nhiều đến việc nuôi các loại vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như nhím, cá sấu, rắn, thỏ, ba ba... đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Nhiều nông dân cũng đã bắt đầu chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Những tín hiệu lạc quan nói trên là tiền đề tạo ra các nguồn nông sản chất lượng cao, ổn định về số lượng để cung ứng cho thị trường.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là đầu ra cho nông sản, khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất, vẫn chưa thật sự mạnh. Đây chính là nỗi lo thường trực của nhiều nông dân. Từ chỗ đầu ra không ổn định khiến nông dân không an tâm sản xuất, dẫn đến việc quá trình sản xuất bị ngắt quãng hay chuyển đổi cây trồng vật nuôi không theo định hướng, quy hoạch.

Hiện tại, mặc dù sản phẩm của nhiều trang trại lớn của Bình Dương đã chiếm được vị trí trên thị trường, nhưng để có được điều này hầu hết là do các chủ trang trại “tự bơi” là chính, mà chưa nhận được sự giúp đỡ có hệ thống từ các ngành chức năng. Ông Đoàn Minh Chiến, Chủ trang trại Đoàn Minh Chiến (xã Tân Định, huyện Tân Uyên), nói: “Hầu hết các trang trại lớn trên địa bàn Bình Dương, chủ trang trại phải tự lo đầu ra cho sản phẩm của chính mình. Một số trang trại có năng lực trong sản xuất, nhưng do yếu kém trong khâu tìm kiếm thị trường nên chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất”. Còn ông Võ Thanh Hải, một chủ trang trại trồng cây ăn trái (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên), thì xót xa cho biết: “Đầu mùa thấy cây đậu trái nhiều tôi mừng thầm trong bụng vì nghĩ có thể thu về nguồn lợi cao, nhưng không ngờ đến khi thu hoạch thì giá lại xuống quá thấp, khiến trang trại không có lãi. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước...”.

Bài toán về đầu ra cho nông sản vẫn còn quá khó với nhiều nông dân. Trong các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có tiêu chí về xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các xã nông thôn mới. Để hoàn thành tiêu chí này, ngành chức năng trong tỉnh cần chú ý hỗ trợ cho nông dân về đầu ra của sản phẩm. Một khi đầu ra nông sản hanh thông thì việc liên kết làm ăn nhằm tạo ra nguồn hàng lớn, chất lượng cao đáp ứng thị trường sẽ hình thành và tất nhiên tiêu chí xây dựng kinh tế hợp tác cũng sẽ theo đó mà hình thành.

Sản phẩm mất giá còn do chính nông dân!

Con heo rừng lai một thời được xem là đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế cao và được nhiều nông dân ưa chuộng. Theo đó, tại các huyện Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng cũng đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi heo rừng lai với quy mô lớn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình nuôi heo rừng lai đang mai một dần. Nguyên nhân của vấn đề là do thịt heo thương phẩm mất giá, người nuôi không có lãi. Giá thịt hơi heo rừng lai từ trên 100.000 đồng/kg sau một thời gian liên tục giảm hiện chỉ còn vài ba chục ngàn đồng/kg. Anh Vũ, một chủ trại nuôi heo rừng lai quy mô lớn tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, cho biết chính cách nuôi thiếu khoa học của nông dân đã làm mất giá sản phẩm thịt heo rừng lai. Do chạy theo lợi nhuận, người chăn nuôi không bảo đảm các yêu cầu về nuôi heo rừng lai; thức ăn dành cho heo cũng không đúng, nhiều người cho heo ăn quá nhiều cám nên thịt heo nhiều mỡ, chất lượng thịt không còn thơm ngon như thịt heo rừng. Do vậy, phong trào nuôi heo rừng lai lắng xuống là tất nhiên.

 Nuôi heo rừng lai đòi hỏi phải có diện tích chăn thả lớn và chế độ ăn nghiêm ngặt thì thịt heo mới thơm ngon

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=277
Quay lên trên