Giai đoạn 2016-2020: Bình Dương áp dụng giảm nghèo bền vững bằng tiêu chí đa chiều

Cập nhật: 09-11-2015 | 08:49:51

Khác với việc xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập, giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ áp dụng chuẩn nghèo đa chiều dựa trên các tiêu chí để đo mức độ thiếu hụt của người dân đối với 5 lĩnh vực (gọi là 5 chiều) gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ông Hồ Quang Điệp (thứ 4, từ phải sang), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo huyện Bàu Bàng trao quà trung thu cho con em hộ nghèo

- Bình Dương là một trong những địa phương được Trung ương đánh giá cao trong công tác giảm nghèo. Xin ông cho biết một số nét nổi bật?

- Trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương 2 lần điều chỉnh chuẩn nghèo. Theo đó, giai đoạn 2011-2013, nâng chuẩn nghèo mới, hộ có thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 1.000.000 đồng/người/tháng khu vực thành thị trở xuống là hộ nghèo (HN); giai đoạn 2014-2015, nâng chuẩn nghèo lên 1.000.000 đồng/người/tháng khu vực nông thôn và 1.100.000 đồng/ người/tháng khu vực thành thị trở xuống là HN, dự kiến đến cuối năm 2015 còn 1.833 HN. Hiện chuẩn nghèo Bình Dương cao hơn gấp 2,5 lần so với chuẩn nghèo quốc gia.

Ngoài ra, Bình Dương cũng đã huy động mọi nguồn lực chăm lo cho HN với tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 là 769,591 tỷ đồng. Qua điều tra, rà soát, những hộ đã thoát nghèo có đời sống tương đối ổn định, từ nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương (vay vốn, y tế, ưu đãi giáo dục…) đã biết cách làm ăn để vươn lên, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng và hỗ trợ các gia đình nghèo khác. Chính phong trào này đã tạo nên sức lan tỏa mạnh cho các HN và địa phương cố gắng nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

- Được biết, giai đoạn 2016- 2020, Bình Dương sẽ chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều? Tại sao phải chuyển đổi như vậy, thưa ông?

- Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo chính xác, cụ thể hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của HN, cận nghèo.

Thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều định kỳ, chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách vĩ mô, để từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư. Việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn.

- Như vậy, với phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, Bình Dương có gặp khó khăn gì không?

- Theo tôi, trong thời gian tới, qua rà soát đối tượng HN, hộ cận nghèo dự kiến tăng do dân số tăng lên. Thế nhưng, thực tế ngân sách tỉnh đang gặp nhiều khó khăn nên cần được cân đối, bố trí để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, để xác định được đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều đòi hỏi phải điều tra toàn bộ dân cư nên khó thực hiện trong điều kiện hiện nay. Do đó cần thay đổi cách tiếp cận, phương thức triển khai công tác giảm nghèo để một số hộ dân không còn cảm thấy may mắn khi được đứng trong danh sách HN bằng cách hạn chế các chính sách cho không. Như vậy, để giải quyết các vấn đề trên cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cấp, các ngành trong tiếp cận đo lường nghèo đa chiều.

- Để thực hiện giảm nghèo bền vững, tỉnh sẽ có những hoạt động chăm lo nào cho người nghèo, thưa ông?

- Trong thời gian tới, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh cũng sẽ chăm lo để HN nhanh chóng thoát nghèo. Cụ thể, bảo hiểm y tế đối với người nghèo, người cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ngân sách địa phương tiếp tục duy trì hỗ trợ 100% mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh; hỗ trợ nhà ở cho HN trích từ Quỹ vì người nghèo các cấp hoặc vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ. Đối với hộ mới thoát nghèo, tỉnh sẽ thực hiện chính sách bảo lưu 2 năm như HN kể từ thời điểm được công nhận thoát nghèo. Như vậy, tỉnh vẫn tiếp tục duy trì thực hiện chính sách bảo lưu về bảo hiểm y tế và ưu đãi giáo dục và khuyến công, khuyến nông (áp dụng cho hộ được công nhận thoát nghèo từ năm 2016 trở về sau); đối với chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ vừa thoát nghèo sẽ thực hiện theo Quyết định 28/2015/ QĐ-TTg ngày 27-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương, hàng năm tỉnh sẽ xem xét, bố trí vốn để ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho HN, hộ cận nghèo được vay vốn để thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng làm ăn (chăn nuôi, trồng trọt), vốn tín dụng học sinh, sinh viên… nhằm hỗ trợ HN thoát nghèo bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

 

 THIÊN LÝ (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên