Giải pháp gia tăng giá trị sản phẩm gỗ

Cập nhật: 01-06-2019 | 07:48:28

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra, ngành gỗ cả nước đứng trước nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Một trong những thách thức đó là làm sao để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Dây chuyền sản xuất sản phẩm gỗ của Công ty gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên). Ảnh: DUY CHÍ

 Không lo nguyên liệu

Năm 2018, Bình Dương dẫn đầu cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với trên 3,2 tỷ USD, tiếp đó là Đồng Nai trên 1,3 tỷ USD, TP.Hồ Chí Minh trên 1,1 tỷ USD. Năm qua, các doanh nghiệp đã sử dụng hơn 40 triệu m3 gỗ để sản xuất, trong đó nguồn cung nội địa chiếm 75%, nhập khẩu 25%. Nhờ vậy, doanh nghiệp gỗ an tâm về nguồn cung đầu vào. Điều đáng mừng là hiện nay, nguồn nguyên liệu gỗ đã được mở rộng ra các quốc gia châu Phi, châu Mỹ... nên vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu không đáng lo như trước. Vấn đề là ở chỗ làm sao ngành gỗ khai thác hết giá trị gia tăng.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), ngành gỗ Việt Nam năm qua thành công lớn khi đạt giá trị xuất khẩu trên 9,3 tỷ USD. Điều quan trọng nhất chính là các doanh nghiệp gỗ đã hoạt động chuyên nghiệp hơn, từ khâu đầu vào đến đầu ra. Từ vai trò là công xưởng gia công gỗ, ngành gỗ cả nước đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm các đơn hàng không qua trung gian.

Tại Bình Dương, các doanh nghiệp gỗ lớn như Lâm Việt, Hiệp Long, Huy Phát... ngày càng chú trọng hơn về thiết kế mẫu mã phù hợp với thị trường xuất khẩu, từng bước khai thác giá trị gia tăng từ sản phẩm gỗ. Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Mtrade (TX.Dĩ An), cho hay những năm qua, ngành gỗ trong nước có sự bứt phá ngoạn mục, đến nay chiếm 25% kim ngạch toàn ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt hơn 7,1 tỷ USD. Tuy vậy, tiềm năng của ngành gỗ còn lớn. Để nắm bắt cơ hội, ngành lâm nghiệp nước nhà cần tích cực tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh về sản phẩm gỗ Việt. Theo ông Lộc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp gỗ trong nước mở rộng thị trường.

Xây dựng thương hiệu quốc gia

Theo ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên), thương hiệu quốc gia là chất xúc tác giúp xúc tiến thương mại của nhiều ngành nghề. Có không ít ý kiến cho rằng ngành gỗ Việt Nam chưa đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế phát triển của ngành trong 15 năm qua, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng 5 năm trở lại đây và xu hướng của thế giới, giới chuyên môn, các nhà kinh tế học, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để ngành gỗ xây dựng thương hiệu quốc gia.

Dù có những giai đoạn nền kinh tế toàn cầu khó khăn nhưng những năm gần đây ngành chế biến gỗ vẫn có mức tăng trưởng bình quân 12,5%/năm. Hiện ngành gỗ Việt Nam chỉ mới sử dụng khoảng 30 - 40% nội lực, còn nhiều nguồn lực chưa được khai thác như đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị, đầu tư thiết kế, phân phối thương mại.

Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty gỗ Huy Phát (TX.Thuận An), cho hay lợi thế của người Việt là sự khéo tay, tiếp nhận công nghệ nhanh. Với chính sách phát triển nguồn nguyên liệu rừng trồng, ngành chế biến gỗ của nước ta đang có cơ hội lớn. Điều mà ngành chế biến gỗ trong nước cần hiện nay là xây dựng được thị trường thiết kế và thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp gỗ bắt đầu hướng đến việc xây dựng 2 giá trị nói trên nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như từng bước tạo ra giá trị gia tăng từ sản phẩm gỗ. Theo các chuyên gia, nếu có chiến lược kinh doanh công nghiệp sáng tạo, sớm hình thành viện thiết kế nội thất sẽ làm lực đẩy cho ngành chế biến gỗ tạo những giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp đạt giá trị thặng dư cao hơn. Vấn đề là làm thế nào để ngành này sớm gia tăng được 2 giá trị nói trên, tạo nên những mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh phát triển bền vững. Đó là một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa để biến Việt Nam trở thành một trung tâm nội thất của thế giới, trong đó từng thành viên (Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp) có vai trò liên đới trong việc triển khai các kế hoạch. Điều đáng lưu ý, sự phân công nhiệm vụ từng thành viên cần được cụ thể hóa để có trách nhiệm và hỗ trợ nhau khi thực thi các quyết định, vấn đề liên quan.

Để ngành gỗ tỉnh nhà phát triển ổn định, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thành viên sản xuất, kinh doanh; cùng với đó thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội thảo... để thu hút và quy tụ các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ liên quan tới sản phẩm gỗ. Tập hợp mọi nguồn lực cùng nhau đưa ngành gỗ tỉnh nhà lên tầm cao mới là việc làm cần thiết, tuy nhiên vẫn không thế thiếu bàn tay hỗ trợ đắc lực từ Chính phủ, đó là cơ chế, chính sách xuất khập khẩu, thuế, hải quan... Thông qua các chính sách này sẽ tạo tiền đề cho ngành gỗ xây dựng thương hiệu quốc gia, khẳng định vị trí của ngành gỗ nước nhà trên thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 3,278 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018; xuất siêu đạt 2,488 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ trong nước chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của cả nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 790 triệu USD, tăng khoảng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Đức, Pháp...

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên