Hạ tầng giao thông hoàn thiện: “Lực đẩy” để thu hút đầu tư

Cập nhật: 06-09-2013 | 00:00:00

Hạ tầng giao thông (HTGT) với những tuyến đường huyết mạch đã góp phần quan trọng trong vấn đề tạo lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thành công trong phát triển công nghiệp, nhất là thu hút đầu tư tại Bình Dương trong thời gian qua có sự góp phần không nhỏ của hệ thống giao thông liên hoàn, thuận lợi.

 Khi chọn lựa đầu tư vào Bình Dương, đánh giá về môi trường đầu tư thuận lợi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng Bình Dương có HTGT rất tốt, mạng lưới giao thông hoàn chỉnh kết nối với các tỉnh, thành đều thuận lợi, đây là điều kiện hết sức quan trọng để doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa. Được trao chứng nhận đầu tư trong tháng 8-2013, ông Takashi Nara, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tomoku Việt Nam cho biết, qua khảo sát công ty chọn KCN Mỹ Phước 3 để xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy với vốn đầu tư hơn 47,6 triệu USD. Đây là nhà máy đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Công ty Tomoku sau nhà máy tại Nhật. Lý do chọn đầu tư tại KCN Mỹ Phước 3 bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi về chính sách, nhân lực, thì HTGT hoàn chỉnh, thuận lợi là điều quan trọng để công ty chọn lựa.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ mở ra triển vọng mới cho thu hút đầu tư

Có được HTGT thuận lợi, bên cạnh việc đầu tư từ ngân sách, Bình Dương đã phát huy mọi nguồn lực trong vấn đề xã hội hóa HTGT. Nhờ vậy đến nay Bình Dương có hệ thống HTGT kết nối thuận lợi và tạo sức bật cho tỉnh nhà trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đột phá trong xã hội hóa giao thông đó là quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương), quốc lộ đầu tiên của cả nước được giao cho doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT. Hơn 12 năm đi vào hoạt động, quốc lộ 13 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN kết nối trên tuyến đường này thu hút đầu tư nhanh và hiệu quả.

Theo quốc lộ 13, chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh đã phát huy hiệu quả. Hiện ở Bến Cát, nơi quốc lộ 13 đi qua giờ là những KCN Mỹ Phước và Bàu Bàng bề thế và hiện đại. Hơn 10 năm đi vào hoạt động, các KCN này được xem là nơi đột phá về thu hút đầu tư với hơn 400 dự án trong và ngoài nước, tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD. Đầu tư vào KCN Bàu Bàng, mới đây Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, thuộc Tập đoàn KyungBang của Hàn Quốc đã đưa nhà máy sản xuất sợi dùng cho ngành dệt may giai đoạn một 40 triệu USD vào hoạt động. Ông Lee Kap Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam cho biết, Bình Dương có hệ thống giao thông tốt, từ đây nhà máy cung cấp thuận lợi sợi cotton chất lượng cao cho các công ty dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều thị trường. Đây cũng là một trong những lý do mà công ty chọn lựa đầu tư tại Bàu Bàng.

Ngoài quốc lộ 13, trên địa bàn tỉnh còn nhiều tuyến đường liên tỉnh tạo lực cho công nghiệp các huyện, thị phát triển mạnh mẽ. Cụ thể như tại Bến Cát, trục đường ĐT744 đi qua, trên tuyến đường này có các KCN Việt Hương 2, KCN An Tây và Rạch Bắp cũng hấp dẫn các nhà đầu tư. Gần đây khi tuyến đường này nâng cấp thì nhà đầu tư ngày càng nhiều, trong tháng 8 qua đã có nhiều dự án được cấp chứng nhận đầu tư vào KCN An Tây. Tại huyện Tân Uyên, nơi có các tuyến đường ĐT746, ĐT747B và ĐT742 đi qua, các KCN Đất Cuốc, KCN Nam Tân Uyên và nhiều nhà máy, công ty ngoài KCN xây dựng ngày càng nhiều đã góp phần đưa Tân Uyên chuyển dịch theo hướng kinh tế công nghiệp.

Để phục vụ cho sự phát triển trong giai đoạn tới, Bình Dương đã triển khai nhiều tuyến đường tạo lực mới; trong đó nổi bật là đường Mỹ Phước - Tân Vạn với vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo Becamex IDC, chủ đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn cho biết, tuyến đường này hoàn thành giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay, cảng biển quốc tế. Cùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, hiện nay tỉnh cũng đã giao Becamex IDC đầu tư 3 tuyến đường ở Tân Uyên gồm ĐT746, ĐT747B và ĐT742. Ba tuyến đường này có tổng chiều dài 57km được xây dựng 6 làn xe, đã khởi công xây dựng vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng; hiện chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động trong năm tới. Khi các tuyến đường này hoàn thành, kết hợp với đường Mỹ Phước - Tân Vạn và quốc lộ 13 hiện hữu sẽ tiếp tục đánh thức tiềm năng của nhiều vùng đất mới, tiếp tục tạo lực thu hút đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 7.300km đường các loại; trong đó quốc lộ có 77,1km và đường tỉnh có 500km với tỷ lệ nhựa hóa 100%. Các tuyến đường huyện gần 600km, đường đô thị hơn 785km với tỷ lệ nhựa hóa rất cao… HTGT tốt là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nhiều huyện, thị có điều kiện phát triển nhanh chóng, làm đòn bẩy phát triển kinh tế; hầu hết trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh thì các thị xã, thị trấn, thị tứ… đều có diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp và kinh tế phát triển toàn diện.

VỆ GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=220
Quay lên trên