Hiệu quả từ vật liệu xây dựng không nung

Cập nhật: 30-06-2014 | 00:40:41

   Những căn hộ cao cấp sử dụng VLXDKN đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng tại khu biệt thự Phú Thịnh, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một Ảnh: P.AN

 Nhiều lợi ích

 Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, từ năm 2002-2009, để sản xuất 140 tỷ viên gạch đất sét nung phải tiêu tốn 210 triệu m3 đất sét. Nếu lấy trung bình khai thác 1m2 đất được 2m3 đất sét làm gạch thì diện tích đất khai thác là 105 triệu m2 (tương đương 10,5 ha đất), biến đất canh tác thành ao hồ, ruộng bậc cao thành vùng đất trũng. Chưa hết, sản xuất gạch đất sét nung còn tiêu tốn lượng than lớn.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, để sản xuất 400 tỷ viên gạch từ nay đến năm 2020 phải tiêu tốn 60 triệu tấn than. Như vậy, nguồn khoáng sản không tái tạo này gần cạn kiệt; đồng thời, các lò gạch nung, đặc biệt lò đứng thủ công, thải ra bầu khí quyển một lượng lớn khói độc hại CO2, SO2 với trên 220 triệu tấn trong vòng 10 năm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống, sức khỏe con người, làm giảm năng suất cây trồng. Trong khi đó, VLXDKN không sử dụng đất sét ruộng mà sử dụng các phế liệu công nghiệp như tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than, nhà máy luyện kim, mạt đá trong công nghiệp khai thác chế biến đá xây dựng, bùn đỏ chất thải của công nghiệp chế biến bauxite.

VLXDKN là loại vật liệu dùng trong xây dựng, trong đó việc sản xuất, tạo ra chúng không sử dụng nhiệt để nung. VLXDKN được sản xuất từ công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nước phát triển nên có các giải pháp khống chế và bảo đảm chất lượng hoàn thiện, quy cách sản phẩm chuẩn xác. Sử dụng VLXDKN đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, hướng tới phát triển bền vững.

Các nhà chuyên môn cũng tính toán, từ năm 2015 đến 2020 ở nước ta thải ra từ 50 - 60 triệu tấn các loại phế thải nói trên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng. Lượng phế thải đó đủ để sản xuất 40 tỷ viên gạch không nung mỗi năm mà không cần dùng đất sét ruộng. Ngoài ra, sản xuất vật liệu xây dựng không nung giảm tiêu tốn năng lượng 70-80% so với sản xuất gạch đất sét nung, không thải khí CO2, SO2 nên giảm ô nhiễm môi trường...

Tiến sĩ Trần Hồng Mai, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thì cho rằng, với VLXDKN dễ dàng tạo ra được sản phẩm có chất lượng về cường độ, đa dạng về kích thước, lổ rỗng, ít cong vênh nên doanh nghiệp (DN) có thể chủ động hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, VLXDKN còn phù hợp với công nghiệp xây dựng có mức độ cơ giới hóa cao, rút ngắn thời gian xây dựng công trình khi sử dụng các loại tấm tường…

Mở rộng thị trường

Chương trình phát triển VLXDKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể là phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020. Thực hiện chương trình này, những năm qua, các DN trong nước đã tích cực nghiên cứu, chế tạo thiết bị sản xuất VLXDKN. Đến nay đã có hàng ngàn thiết bị, dây chuyền được sản xuất trong nước có công suất từ 2 - 50 triệu viên gạch quy TC/năm; 12 nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, công suất mỗi cơ sở từ 100.000 - 300.000m3/năm và 30 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất 473.000m3/ năm. Hiện các DN còn đầu tư nhiều cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất 2 - 5 triệu viên gạch quy TC/ năm, đưa tổng công suất gạch, xi măng cốt liệu lên trên 4,5 tỷ viên gạch quy TC/năm...

Tại Bình Dương, thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 05/2013/ CT-UBND về việc tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để VLXDKN phát triển mạnh trên thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm: Bảo đảm nguồn cung gạch ổn định

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chuyển từ gạch nung sang gạch không nung, bước đầu các DN trong tỉnh đã sản xuất được gạch không nung. Cùng với sản lượng gạch lớn được sản xuất từ các lò Tuynel thì số lượng gạch đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường, do đó việc thiếu và “sốt” giá gạch sau khi các lò Hoffman ngưng hoạt động rất khó xảy ra. 

Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng phòng Kinh tế - Vật liệu xây dựng Sở Xây dựng cho biết tại thị trường Bình Dương, vừa qua đã khánh thành Công ty Sản xuất VLXDKN Hưng Khang (tại phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên), với dây chuyền công nghệ tiên tiến của Đức; bên cạnh đó, Công ty HIDICO ở Đồng Tháp cũng đã mở chi nhánh tại Bình Dương. Do đó, nguồn cung cấp VLXDKN là rất lớn, bảo đảm cung cấp đầy đủ sản phẩm này ra thị trường.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền và quảng bá về sản phẩm VLXDKN cũng như hiệu quả sử dụng sản phẩm này. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ xây dựng những quy định về quản lý và đầu tư phát triển vật liệu xây dựng, trong đó có VLXDKN; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất VLXDKN; xây dựng và công bố đơn giá xây dựng công trình sử dụng VLXDKN trên cơ sở định mức Bộ Xây dựng đã ban hành.

Hiện nay, DN sản xuất VLXDKN đang được hưởng những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu thiết bị. Tuy nhiên, theo các DN, việc tiếp cận thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư sản xuất VLXDKN, Nhà nước cần ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXDKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị đưa các loại sản phẩm này vào công trình.

 PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=547
Quay lên trên