Hỏi đáp Chính sách Bảo hiểm Xã hội ngày 10-9

Cập nhật: 10-09-2016 | 09:30:41

Hỏi: Tôi muốn hỏi về tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)?

Trả lời: Xuất phát từ thực tế khi triển khai các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng và chuyển đổi từ hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định sang hệ thống thang lương, bảng lương do doanh nghiệp Nhà nước tự quyết định, ngày 24-6-2015, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4807/VPCP-PL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Công văn số 848/UBTVQH13- CVĐXH ngày 7-4-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, từ ngày 1-5-2013 đến trước ngày 1-1-2016, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng vẫn áp dụng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1-5- 2013 thì tiếp tục đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Từ ngày 1-1-2016, tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện đóng BHXH theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung này.

Hỏi: Trách nhiệm của cơ quan BHXH về trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt dụng cụ chỉnh hình cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo khoản 4 Thông tư số 19/2008/TT-BHXH ngày 2-9-2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan BHXH có trách nhiệm về trang cấp như sau: Cấp tiền cho người lao động để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định tại cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh trở lên. Thanh toán một lần tiền tàu, xe đi và về theo giá quy định của Nhà nước với phương tiện giao thông như xe khách, tàu hỏa, tàu thủy từ nơi cư trú đến cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng gần nhất cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đi làm phương tiện trợ cấp sinh hoạt.

Hỏi: Cho hỏi nguyên tắc chung xác định bệnh nghề nghiệp?

Trả lời: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp, tác động đối với người lao động, bệnh xảy ra từ từ hoặc cấp tính. Một số bệnh nghề nghiệp không chữa khỏi và để lại di chứng. Bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được. Nguyên tắc chung đề xác định bệnh nghề nghiệp là: Đối tượng xác định phải có căn cứ tiếp xúc với yếu tố độc hại trong quá trình lao động đủ thời gian bảo đảm có thể gây bệnh. Thời gian bảo đảm tùy loại bệnh do Bộ Y tế quy định. Căn cứ tiếp xúc là kết quả đo môi trường lao động trong thời gian đối tượng làm việc và hồ sơ quá trình làm việc có xác nhận của chủ sử dụng lao động.

Phải có các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh theo tiêu chuẩn xác định bệnh do Bộ Y tế quy định với từng loại bệnh. Cơ sở y tế khám xác định bệnh phải có khoa, phòng khám bệnh nghề nghiệp được Bộ Y tế chấp thuận đủ năng lực chuyên môn. Phải được hội chẩn và kết luận với ít nhất một Giám định viên của Hội đồng Giám định y khoa.

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=407
Quay lên trên