Hội nghị thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Cập nhật: 30-11-2013 | 00:00:00

Sáng 30-11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004. Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại hội nghị.

  Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Từ khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 và các văn bản hướng dẫn được ban hành và tổ chức thực hiện, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được chuẩn hóa một bước, tất cả các quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật do hai Luật quy định đã được tuân thủ nghiêm túc.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành tính đến ngày 31-3-2013, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước Trung ương ban hành là hơn 5.200 văn bản, điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực đời sống, xã hội. Ở địa phương tính đến ngày 31-7-2013 đã ban hành gần 7.500 Nghị quyết của HĐND.

Nhiều địa phương đã ban hành một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật như: Kiên Giang, Thái Bình, Hà Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh….

Đa phần văn bản bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, xét về tổng thể hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập so với xây dựng pháp luật, tình trạng pháp luật không được thực thi triệt để xảy ra trên nhiều lĩnh vực; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2013 được thực hiện theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng chưa có những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết còn nhiều; đặc biệt vẫn còn tình trạng văn bản do địa phương ban hành không quy định về hình thức, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định…

Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo, việc ưu tiên cho tổ chức thi hành pháp luật phải được coi là khâu trọng yếu, có tính quyết định trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cần có thiết chế hữu hiệu được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Bộ Tư pháp tiếp tục thể chế hóa định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thi hành pháp luật, sớm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi) liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Đồng thời, cần có các giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ để đảm bảo mọi hành vi của cán bộ, công chức, và của cơ quan, tổ chức phải tuân thủ pháp luật, ý thức pháp luật, kỷ luật, kỷ cương phải là yếu tố chi phối toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền, môi trường pháp chế phải trở thành yếu tố tự nhiên của xã hội, việc “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” phải là yêu cầu chung của xã hội, phải trở thành ý thức tự giác của mọi người dân, mọi tổ chức, mọi cơ quan.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với vai trò là cơ quan chủ trì, giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cần chủ động, phối hợp với các Bộ ngành cơ quan liên quan tổ chức thi hành có hiệu quả luật, pháp lệnh và thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên