Khai thác khoáng sản tại Bình Dương: Tăng cường quản lý, ổn định hoạt động

Cập nhật: 05-04-2014 | 00:00:00

Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhất định nhưng có thể nói hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) tại Bình Dương trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Những đổi thay

Ngành công nghiệp khai khoáng của Bình Dương trong nhiều năm qua đã từng bước thay đổi theo hướng tích cực, quy mô công nghiệp được thay thế kiểu khai thác nhỏ lẻ trước đây nên sản lượng, giá trị KTKS tăng, đã đáp ứng đủ và kịp thời nguyên, vật liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ và các công trình xây dựng, giao thông trên toàn tỉnh và vùng lân cận.

Hoạt động khai thác đá tại cụm mỏ Thường Tân - Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Tính đến nay, toàn tỉnh có 46 giấy phép KTKS được cấp cho 32 doanh nghiệp (DN) khai thác tại các cụm mỏ đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, kaolin. Chuyển biến lớn nhất trong hoạt động KTKS tại Bình Dương có thể kể đến là các cụm mỏ khai thác đá xây dựng. Trong nhiều năm, đây là vấn đề gây bức xúc không chỉ cho bà con nhân dân địa phương có mỏ đá mà còn là chuyện đau đầu của các cấp quản lý. Tuy nhiên, các cụm mỏ đã dần thay đổi công nghệ khai thác, gắn với việc bảo vệ môi trường tại chỗ.

Cụm mỏ đá Dĩ An với diện tích 71,7 ha có 5 đơn vị hoạt động trước đây gây ồn ào, ô nhiễm, hiệu quả KTKS thấp nhưng trong vài năm trở lại đây đã thay đổi công nghệ khai thác nên cho đá chất lượng tốt, khai thác có hiệu quả. Năm 2012, nhờ vào việc các công ty KTKS tại đây tập trung thành lập được Ban quản lý cụm mỏ hoạt động theo cơ chế tự quản nên đã góp phần giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển chung. Nhờ vậy, tuy cụm mỏ nằm trong khu vực phát triển đô thị, dân cư đông đúc nhưng vẫn nhận được sự phản hồi tích cực của người dân và chính quyền địa phương.

Trong khi đó, cụm mỏ Thường Tân - Tân Mỹ với diện tích 427,2 ha với 14 đơn vị khai thác cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Công ty Phan Thanh đã đầu tư được dây chuyền băng trải ngầm để vận chuyển sản phẩm ra cảng không phải đi ra đường giao thông chung, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng giao thông. Các DN như Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Miền Đông (Biên Hòa) đều đã đầu tư xây dựng cầu cảng để xuống đá tương đối kiên cố, hiện đại góp phần lập lại trật tự trong hoạt động của các bến đổ đá dọc sông Đồng Nai.

Nhìn chung, hầu hết các DN sau khi được sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp quản lý nhà nước đã áp dụng các biện pháp khai thác hiện đại hơn, ít ô nhiễm môi trường hơn. Ngoài ra, các biện pháp khống chế ô nhiễm môi trường theo Bản đăng ký đánh giá tác động môi trường đã đăng ký cũng được áp dụng triệt để. Hơn nữa, các công ty KTKS trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tiến hành giám sát môi trường, lập báo cáo xả thải, ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác… Nhờ thế, công tác bảo vệ môi trường trong KTKS cũng ngày càng tốt hơn trước.

Tiếp tục siết chặt quản lý

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam trong cuộc họp nghe báo cáo tổng thể về tình hình hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nam, trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã làm rất tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý nhà nước, góp phần định hướng chung cho DN ổn định hoạt động và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc, hạn chế cần giải quyết để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý chung, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như bảo đảm môi trường, bảo đảm sức khỏe người dân.

Có thể thấy, bên cạnh một số DN đã làm tốt công tác đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường thì vẫn còn đó những đơn vị chậm triển khai dự án dù đã được cấp phép. Một số công ty khai thác chưa bảo đảm theo đúng thiết kế khai thác, còn để chập tầng, sạt lở bờ móng dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường như bụi trong khâu xay, nghiền đá, làm rơi khoáng sản làm hư hỏng đường, ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, một số DN chưa quan tâm đầu tư duy tu, sửa chữa thường xuyên đường vận chuyển gây bức xúc cho người dân địa phương.

Chính vì thế, Sở TN-MT mới đây đã có ý kiến đối với các đơn vị KTKS cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan, yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm hoạt động KTKS có nề nếp. Riêng các mỏ nằm trong cụm mỏ Thường Tân - Tân Mỹ, sắp tới Sở TN-MT sẽ tiếp tục siết chặt quản lý bằng cách tiến hành thành lập Ban quản lý từng cụm mỏ để giám sát việc khai thác theo thiết kế của DN và giải quyết những vấn đề chung hiệu quả.

Có thể nói, vấn đề giám sát, kiểm soát các hoạt động KTKS luôn rất nhạy cảm và cần sự quan tâm thường xuyên của các cấp quản lý nhà nước. Chính vì thế, dù đã làm khá tốt trong thời gian qua nhưng rất cần sự duy trì siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động này để bảo vệ lợi ích DN cũng như bảo đảm môi trường sống cho người dân.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=430
Quay lên trên