Khẩn trương ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Cập nhật: 02-05-2013 | 00:00:00

  Giáo viên trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) hướng dẫn HS sử dụng atlat

Lo cho HS yếu là chính. Ban giám hiệu các trường đã nói với chúng tôi như vậy. Ngoài ôn đại trà vào buổi sáng, buổi chiều nhà trường có những lớp học riêng dành cho HS yếu kém. Tùy vào đặc điểm riêng và học lực của HS mà các trường có hình thức ôn tập phù hợp, một số trường còn tổ chức thi thử để xác định năng lực học tập của HS. Những trường có chất lượng đầu vào thấp, sức học của đa số HS ở mức trung bình như Trần Văn Ơn, Nguyễn Đình Chiểu thì

 áp dụng hình thức truy bài HS. Những ngày này, không chỉ có giáo viên bộ môn, mà giáo viên ở các bộ môn khác cũng hỗ trợ ôn tập, dò bài HS. Có nơi, giáo viên chia nhóm HS theo học lực và phân công các em giúp nhau trong học tập, có giáo viên chủ nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra. Cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên trường THPT Tân Phước Khánh (Tân Uyên) cho biết, sau kết quả thi học kỳ II, GV biết được những điểm mạnh, điểm yếu của HS mà kịp thời bổ sung những kiến thức các em còn khiếm khuyết. Hiện nay HS có xu hướng học lệch, các em chỉ tập trung ở những môn thi đại học, do đó GV cần có phương pháp ôn phù hợp để HS đủ kiến thức đi thi. Một GV dạy môn sinh học trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo) cho biết, môn này kiến thức rộng, đòi hỏi HS phải hiểu để vận dụng. Kinh nghiệm của GV ở trường là tách HS yếu ra, tìm điểm hỏng của các em để bổ sung kịp thời. GV cũng định hướng cho HS cách làm bài ở các dạng câu hỏi.

Ngoài tổ chức ôn tập ở trường, Ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, còn động viên, khuyến khích HS có kế hoạch ôn tập ở nhà. Với những HS có khả năng tự quản lý thời gian tự học, tự rèn luyện ở nhà thì hiệu quả ôn tập sẽ cao hơn. Một biện pháp chung được nhiều trường thực hiện là phối hợp chặt chẽ với phụ huynh theo dõi việc học của con em.

Năm nay là năm thứ 6 môn địa lý tiếp tục được chọn thi tốt nghiệp. HS tỏ ra phấn khởi, bởi các em cho rằng môn này dễ lấy điểm hơn môn lịch sử. Tuy nhiên, qua thống kê của ngành giáo dục - đào tạo, tỷ lệ HS đạt điểm trung bình trở lên ở môn sử hàng năm luôn cao hơn môn địa. Thầy Đặng Kim Anh, chuyên viên phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục - Đào tạo có lời khuyên, với môn địa, HS không nên ghi nhớ máy móc mà cần tăng cường rèn luyện khả năng tư duy. Biết sắp xếp các lớp kiến thức để giải các dạng đề thi tốt nghiệp, vừa tránh lãng phí thời gian, vừa tránh lạc đề. HS cần rèn luyện các kỹ năng địa lý cơ bản một cách thuần thục, như: cách nhận biết, xử lý và nhận xét bản số liệu, các bước vẽ biểu đồ chính xác và nhanh, sử dụng atlat. Ở môn địa lý, HS nên học ôn theo nhóm để chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.

Kỳ thi tốt nghiệp là kết quả của quá trình 12 năm học tập, vì thế thầy trò các trường đã và đang cố gắng hết sức. Duy trì tỷ lệ, nâng cao chất lượng tốt nghiệp, là mục tiêu các trường đã đặt ra. Về phía ngành, từ hơn một tháng nay, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tích cực đi kiểm tra, dự giờ ôn tập ở các trường để có chỉ đạo GV thay đổi phương pháp dạy, giúp HS tiếp thu bài tốt. Theo đánh giá của ông Trần Văn Sơn, Trưởng phòng giáo dục trung học, các trường tổ chức ôn thi nghiêm túc, khẩn trương, có tổ chức ôn tập riêng cho số HS yếu kém, một số trường đã hợp đồng GV giỏi ở các trường khác đến ôn tập cho HS.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X