Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, thượng tá Lê Minh Chí, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết đó là đối tượng mà trong Hướng dẫn số 744/CS-NC của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị về tổ chức khảo sát đối với người có công định cư ở nước ngoài và lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế vừa ban hành.
- Thượng tá có thể cho biết thêm điều kiện khảo sát đối với người có công định cư ở nước ngoài?
- Như hướng dẫn đã nêu, đối tượng nêu trên là những người hiện đang định cư ở nước ngoài là quân nhân, công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu; cán bộ, công chức, chuyên gia, cán bộ dân chính đảng; cán bộ xã, phường; dân quân, du kích; thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia, hiện chưa được hưởng hoặc đã hưởng chế độ, chính sách nhưng dừng hưởng hoặc hiện đang hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam do thân nhân ở trong nước nhận chế độ hưu trí hàng tháng, thương binh, bệnh binh, mất sức lao động; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách khen thưởng và các chế độ, chính sách theo các nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ… và các chế độ, chính sách quy định tại Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Pháp lệnh danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Thi đua khen thưởng...
- Còn lực lượng dân công hỏa tuyến là những đối tượng nào và điều kiện khảo sát ra sao?
- Đối tượng của lực lượng dân công hỏa tuyến là những đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9-1945 đến ngày 20-7-1954. Địa bàn tham gia kháng chiến trong phạm vi cả nước và một số địa phương thuộc Lào, Campuchia; lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20-7-1954 đến 30-4-1975. Địa bàn tham gia kháng chiến trong phạm vi cả nước; lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5-1975 đến tháng 12-1978; ở biên giới phía Bắc từ tháng 2-1979 đến tháng 12-1988; làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ sau ngày 30-4-1975 đến ngày 31-8-1989, ở Lào từ sau ngày 30-4-1975 đến 31-12- 1988. Địa bàn tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các tỉnh biên giới, các tỉnh lân cận có xây dựng khu vực phòng thủ.
Các nhóm đối tượng nêu trên đã về gia đình hoặc đã thôi việc trước ngày 1-1- 1995 đối với các trường hợp chuyển sang công nhân viên chức Nhà nước hoặc đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1-4-2000 đối với các trường hợp chuyển sang tham gia quân đội, công an (bao gồm số còn sống và từ trần); hiện nay không hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động hàng tháng, bệnh binh hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ nghỉ hưu và đang công tác ở xã).
Điều kiện các đối tượng đã được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 47/2002/ QĐ-TTg, Quyết định số 290/2005/ QĐ-TTg, Quyết định số 188/2007/ QĐ-TTg, Quyết định số 142/2008/ QĐ-TTg, Quyết định số 104/1999/QĐ- TTg, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng có thời gian tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến trong các giai đoạn nêu trên, thuộc đối tượng khảo sát.
- Phương pháp tiến hành như thế nào, thưa thượng tá?
- Phát huy những kinh nghiệm qua giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng theo các Quyết định 290, 188, 142, 62 của Thủ tướng Chính phủ, nên việc tập huấn, hướng dẫn và triển khai được Ban chỉ đạo 24 thực hiện đúng thời gian quy định. Đặc biệt, những kinh nghiệm qua khảo sát đối tượng hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện sâu rộng trong nhân dân; trong đó bảo đảm lực lượng thực hiện từ tỉnh đến cơ sở phải nắm chắc quan điểm chỉ đạo, có sự thống, đồng bộ trong triển khai thực hiện, nhất là các mẫu biểu thống kê, kê khai, báo cáo hướng dẫn tạo mọi thuận lợi nhất cho các đối tượng thuộc diện kê khai để hưởng chế độ theo quy định.
Để tạo thuận lợi cho giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng này, việc khảo sát phải bảo đảm chặt chẽ theo trình tự, đúng đối tượng. Sau khi đối tượng, thân nhân đối tượng kê khai theo mẫu biểu giao nộp cho trưởng khu ấp. Việc thông qua hồ sơ kê khai trình tự qua ban lãnh đạo khu ấp, Hội đồng chính sách cấp xã, đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và báo cáo Bô Chỉ huy quân sự tỉnh, thống kê chuyển về trên.
Hiện nay, việc khảo sát các đối tượng được các địa phương đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu hoàn thành vượt thời gian quy định để Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 24) được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện tổng hợp kế quả khảo sát báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chuyển về trên để sớm ban hành quyết định giải quyết chế độ cho các đối tượng.
- Xin cám ơn thượng tá!
M.H - T.L (thực hiện)