Khi doanh nghiệp đồng hành trường nghề

Cập nhật: 30-12-2015 | 08:38:34

Cùng với việc xây dựng nhà máy tại Bình Dương, các doanh nghiệp (DN) còn chọn trường nghề, cơ sở dạy nghề trong tỉnh làm nơi đào tạo nhân lực. Qua chương trình hợp tác, các DN có thể chủ động tuyển chọn nguồn lao động chất lượng cao. Đồng thời, người lao động (NLĐ) với tay nghề được hỗ trợ cũng nhanh chóng tìm được việc làm ổn định ngay sau khóa đào tạo.

Để đào tạo lao động có tay nghề, nhiều DN đã cử cán bộ xuống trường hướng dẫn HV thực hành trên máy móc. Trong ảnh: Học viên trường Cao đẳng Công nghệ Đồng An được hướng dẫn thực hành

Xóa nỗi lo thất nghiệp

Cuối năm 2014, anh Phạm Hữu Tình (phường Thuận Giao, TX.Thuận An) nhận bằng tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam- Singapore (TX.Thuận An). Sắp đến ngày nhận bằng tốt nghiệp, nhưng anh cảm thấy không vui vì sợ ra trường không có việc làm. Thế nhưng, nỗi lo của anh không lâu, bởi trong buổi lễ tốt nghiệp, trường mời rất nhiều DN đến tham dự, trong đó nhiều DN đang cần tuyển dụng chuyên ngành cơ khí chế tạo. Sau lễ trao bằng, các DN giới thiệu về mình và nhu cầu tuyển dụng để học viên (HV) gửi hồ sơ dự tuyển tại công ty, hoặc công ty cử cán bộ nhân sự đến tuyển dụng ngay tại trường.

Cơ hội chỉ đến một lần, anh Tình làm hồ sơ dự tuyển và được tuyển dụng vào làm Công ty TNHH Wipro Unza Việt Nam. Anh nói: “Điều kỳ vọng nhất của các HV học nghề là có thể có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình học tập tại trường, ngoài giờ học lý thuyết, tôi và các bạn được nhà trường tạo điều kiện thực tập tại các công ty. Với đầy đủ kiến thức về lý thuyết, thực hành, tôi hoàn hoàn tự tin có thể áp dụng thành thạo vào quá trình làm việc sắp tới”.

Xem DN là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và là khách hàng quan trọng trong việc đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, tiến tới giải quyết việc làm cho HV sau khi tốt nghiệp là hướng đi mới của các trường nghề, cơ sở dạy nghề trong tỉnh, trường Trung cấp Nghề khu công nghiệp Bình Dương (TX.Dĩ An) liên tục tổ chức các chương trình tư vấn, tiếp xúc với DN theo từng nhóm nghề, ngày hội việc làm và mời DN tham gia trực tiếp. Con số thống kê cho biết, 90% HV nhà trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng trường nhận định: “Việc liên kết với các DN mang lại hiệu quả cao, không lãng phí trong đào tạo, giúp HV an tâm khi tham gia học tập vì được bảo đảm giải quyết việc làm. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay, đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong bối cảnh cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang đối mặt với thách thức về sự mất cân đối cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề”.

Giảm áp lực đào tạo lại lao động

Khi thực hiện liên kết, đào tạo lao động giữa DN và các trường nghề thì mối liên kết này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Theo đó, các cơ sở đào tạo nghề được nâng cao về chất lượng đào tạo nhờ có sự điều chỉnh chương trình phù hợp, tăng cường thực hành trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm định chất lượng đầu ra chính xác và khách quan hơn nhờ sự tham gia của DN; đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được nâng cao năng lực nhờ được tiếp cận với máy móc thiết bị, công nghệ mới... Đối với DN, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề một mặt giúp bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặt khác có thể cắt giảm phần chi phí đào tạo lại cho NLĐ, từ đó làm tăng lợi ích tài chính của DN.

Ông Huang Pen Yuan, Phó Tổng Giám đốc Công ty King Riches Việt Nam (KCN VSIP I) cho biết, công ty đã hoạt động ở Việt Nam được 15 năm ở Bình Dương và Quảng Ngãi. Nếu không có sự hỗ trợ của các trường nghề, công ty sẽ có áp lực vô cùng lớn trong việc tìm kiếm nhân lực. Do đó, khi có nhu cầu tuyển dụng, công ty đến các trường nghề. Mặt khác, công ty còn hỗ trợ trường nghề đưa HV đi thực tập tại các xưởng, qua đó lựa chọn những người xuất sắc giữ lại làm việc cho mình.

Ký kết đào tạo lao động với trường Cao đẳng Công nghệ Đồng An (TX.Dĩ An) nhiều năm nay, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Cơ khí Chính Xác Nam Thiên Trường (TX.Dĩ An) tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn khi không phải đào tạo lại lao động. Do đó, công ty đã trích một phần lợi nhuận hỗ trợ cho nhà trường máy móc, phôi liệu để HV thực tập. Ông Trần Hữu Lịch, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Đồng An nói, thời gian qua, trường đã có nhiều DN có chương trình đồng hành, hợp tác cùng trường để đào tạo những lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các DN. Các DN này cũng thường xuyên cử các chuyên gia, cán bộ đến tận trường để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật về nghề hàn, cơ khí… Kết thúc quá trình đào tạo, DN tuyển dụng ngay lao động mà không phải trải qua quá trình thử việc.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đơn vị phụ trách trường, cơ sở dạy nghề), từ thành công của số mô hình trên có thể thấy việc liên kết đào tạo nghề giữa trường nghề và DN tại tỉnh ta đã bước đầu mang lại hiệu quả, đồng thời cũng là phương thức đổi mới hoạt động nhằm thu hút NLĐ tham gia học nghề; tạo động lực để cho các trường nghề cạnh tranh, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là cách giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh sau khi học nghề, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên