Kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư

Cập nhật: 14-06-2014 | 00:00:00

Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Bình Dương vừa tổ chức sơ kết 2 tháng triển khai chuyên đề An toàn PCCC ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, điểm phế liệu, tạp hóa… trong khu dân cư. Đây được xem là những “điểm nóng” dễ phát sinh cháy nổ trên địa bàn vì phần lớn các cơ sở này đều tự phát và chưa chú trọng làm tốt công tác PCCC.

Những vi phạm phổ biến

Qua kiểm tra thực tế công tác PCCC tại các cơ sở trên cho thấy, hầu hết các cơ sở đều không ban hành nội quy PCCC hoặc ban hành không phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở. Việc niêm yết nội quy PCCC cũng không đúng nội dung với nội quy đã ban hành và thường sử dụng bảng nội quy in sẵn mua ngoài thị trường để niêm yết cho có. Đi vào trọng tâm chuyên môn, bộ phận kiểm tra nhận thấy, các cơ sở không lập hồ sơ quản lý về PCCC hoặc có lập nhưng không thường xuyên theo dõi, cập nhật. Ví dụ, danh sách đội PCCC tại chỗ không đúng với thực tế do biến động nhân sự; không tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội viên PCCC tại chỗ, kể cả người thường xuyên tiếp xúc với các chất nguy hại, dễ cháy; biên bản kiểm tra PCCC; biên bản vi phạm hành chính về PCCC… còn thiếu sót.

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn tại Công ty May Apparel Vina - KCN VSIP. Ảnh: D.CHÍ

Tại các cơ sở kinh doanh tạp hóa, phần lớn việc sắp xếp, bố trí hàng hóa vật dụng còn gây cản trở lối đi, lối thoát nạn; thiết bị, phương tiện PCCC tuy có trang bị nhưng không được quan tâm, bị hàng hóa che phủ, không nhìn thấy, khi xảy ra sự cố thì không sử dụng được. Đường dành cho xe chữa cháy hoạt động bị lấn chiếm, vệ sinh công nghiệp không được bảo đảm; việc câu mắc điện, thiết bị tiêu thụ điện không đúng kỹ thuật, không an toàn về điện; không thiết kế lắp đặt hệ thống chống sét, hoặc có trang bị nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định. Trang bị bình chữa cháy không bảo đảm số lượng, không phù hợp với tính chất sử dụng của cơ sở. Không bảo dưỡng định kỳ các hệ thống PCCC như hệ thống chữa cháy vách tường; chữa cháy tự động; báo cháy tự động theo quy định. Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn lối thoát nạn lắp đặt chưa bảo đảm yêu cầu về độ sáng quy định. Không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hoặc có nhưng không đúng quy tắc vì biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành…

Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm phổ biến trên là do ý thức chấp hành pháp luật PCCC của người đứng đầu ở cơ sở chưa cao; thiếu chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và việc thực hiện các biện pháp chống cháy lan còn chủ quan, chưa đề cao công tác PCCC. Việc khắc phục những thiếu sót, vi phạm còn mang tính đối phó, chưa thật sự chuyển biến.

Chính quyền địa phương các cấp tuy có quan tâm chỉ đạo công tác PCCC trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý nhưng có nơi, có lúc chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, xử lý khi có sai phạm phát sinh. Công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật về PCCC chưa thường xuyên, sâu rộng; nhất là việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về PCCC. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi vi phạm chưa nghiêm; khi phát hiện các lỗi vi phạm, người kiểm tra thường chỉ hướng dẫn cách khắc phục là chủ yếu.

Các cơ sở kinh doanh tạp hóa, phế liệu hầu hết là nhỏ lẻ; đặc biệt có cơ sở không đăng ký kinh doanh, phân bố không tập trung, mặt bằng kinh doanh rất đa dạng, tự phát. Phần lớn chủ các cơ sở này không quan tâm hoặc thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật về PCCC.

Với các cơ sở kinh doanh phế liệu, tạp hóa, cơ sở giáo dục… trên địa bàn tỉnh phát triển rất đa dạng, tự phát, nên rất cần được giáo dục tuyên truyền về kỹ năng PCCC kết hợp với việc kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên.

Kết quả

Qua 2 tháng triển khai chuyên đề An toàn PCCC các cơ sở sản xuất dệt may, túi xách, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạp hóa trong khu dân cư, cơ sở phế liệu, trường học, cơ sở giáo dục… cũng đã kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật về PCCC; hướng dẫn các chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở hiểu rõ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về PCCC; đồng thời góp phần nâng cao ý thức PCCC của nhân dân và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Thông qua công tác này cũng đã tích cực nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý theo kế hoạch. Các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực thi pháp luật và duy trì thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Thực tế, qua triển khai thực hiện chuyên đề cho thấy các đơn vị chức năng đã phát huy ưu điểm; đồng thời phát hiện các vấn đề còn thiếu sót và đề ra nhiều giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả.

Đại tá LÊ ANH VIỆT, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC: Trách nhiệm của người đứng đầu Trong công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC chúng ta cần đề cao vai trò của người đứng đầu; vì ở đâu có được người đứng đầu quan tâm thì ở đó hiệu quả công tác sẽ thuận tiện, tốt đẹp. Như vậy, chúng ta phải quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Việc kiểm tra phải đúng kế hoạch và có chỉ đạo bằng văn bản để các đơn vị căn cứ theo đó mà thực hiện. Làm tốt công tác quản lý, lãnh đạo sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy.

 

TÔN THẤT SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên