Kinh tế của tỉnh tăng trưởng cả chất và lượng

Cập nhật: 19-10-2013 | 00:00:00

Trong phiên thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, khóa IX (mở rộng), các đại biểu đánh giá, tình hình kinh tế của tỉnh 9 tháng qua tiếp tục phát triển ổn định, có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

 Sản xuất công nghiệp ổn định

Phát biểu về tình hình kinh tế 9 tháng qua, Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Cư cho biết, kinh tế 9 tháng qua có những khó khăn nhưng đan xen có nhiều thuận lợi. Thuận lợi lớn nhất là tình hình kinh tế nhiều nước trên thế giới đang dần phục hồi như: các nước khối EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khối ASEAN… Một thuận lợi khác là, các hợp đồng xuất khẩu (XK) trong năm 2013 đều được ký kết, số lượng hợp đồng ký kết tăng hơn so với năm 2012 từ 10 - 15%. Do các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương có sẵn thị trường truyền thống, trong khi đó đa số DN ở Bình Dương là DN có vốn đầu tư nước ngoài nên họ có thị trường, giá cả sản phẩm ổn định kéo theo đơn hàng XK cũng ổn định hơn.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, khóa IX (mở rộng). Ảnh: Q.C

Mặt khác, các thị trường truyền thống của các DN trong tỉnh như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng thêm lượng hàng nhập khẩu; DN của tỉnh mở rộng thêm thị trường Nam Phi, Angola, Banglades. Quan trọng nhất là thị trường lao động ổn định, các vụ đình lãn công giảm hẳn so với năm 2012 về số lượng, số vụ và số lượng người tham gia.

Bên cạnh tăng về lượng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thể hiện ở chỗ, về cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng rất cao khoảng 98,8%; công nghiệp chế biến tăng không ngừng từ đầu năm đến nay. Đây là lĩnh vực tạo giá trị gia tăng ngành công nghiệp.

Về XK cũng đem lại nhiều lạc quan. Kim ngạch XK hiện nay chiếm 11,2% so với kim ngạch XK của cả nước. Trong đó có 3 ngành chiếm tỷ trọng cao so với XK cả nước là chế biến gỗ chiếm tỷ trọng 11,3%, dệt may chiếm 11,2%, giày dép chiếm 7,3% so với kim ngạch XK của cả nước 9 tháng qua. Về thị trường, XK sang Mỹ tăng 17,1%, EU tăng 23,9%, ASEAN tăng 13,8%; các thị trường mới Angola tăng 11,3%, Newzealand tăng 53,1%, Banglades tăng 45,4%.

Xét về tỷ trọng XK cũng tăng về chất, các ngành sử dụng lao động nhiều có tỷ trọng ngày càng giảm, ngành hàng gia tăng giá trị chất xám ngày càng tăng lên. Cụ thể là ngành gỗ, dệt may, da giày trong 9 tháng tỷ trọng giảm hơn so với cùng kỳ: Dệt may tỷ trọng giảm 1%, da giày giảm 0,7%, gỗ giảm 1,7%. Trong khi đó, một số mặt hàng như điện tử, dây cáp điện, cơ khí, chế tạo có xu hướng tăng lên.

Tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, theo ông Cư, bên cạnh thuận lợi, kinh tế của tỉnh cũng gặp những khó khăn như chi phí đầu vào tăng, giá gas tăng 26%, giá xăng dầu luôn biến động; giá nguyên liệu đối với các mặt hàng XK chủ lực, nguyên liệu ngành gỗ, ngành gốm sứ, ngành dệt may đều tăng. Lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng DN vẫn khó tiếp cận. Hiện dư nợ sản xuất công nghiệp trên 40% nhưng số dư nợ này họ không hưởng lãi suất như hiện nay mà lãi suất cao hơn. Thêm vào đó, lương bình quân của người lao động tăng khoảng 15%, cộng lại chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận DN cũng không nhiều.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Thủy cho biết, tình hình ngành nông nghiệp 9 tháng qua gặp nhiều khó khăn do giá cả thức ăn chăn nuôi tăng, giá thành chăn nuôi cao hơn giá bán, ngành chăn nuôi gặp nhiều thua lỗ. Kế đến, diễn biến thời tiết phức tạp, 4 cơn lốc xoáy gây thiệt hại cho tỉnh trên 12 tỷ đồng. “Dù vậy ngành nông nghiệp cũng có nhiều thuận lợi, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nhờ chính sách này mà năm 2013, tỉnh kịp thời khắc phục khó khăn giúp nông dân duy trì sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng. Nông nghiệp đang phát triển đúng hướng, theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, hình thành vùng nông nghiệp đô thị, vùng nông nghiệp kỹ thuật cao”, bà Thủy nói.

Kết luận phần thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã đề nghị lãnh đạo các sở, ngành hết sức quan tâm tháo gỡ vướng mắc của các doanh nghiệp để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu năm 2013, làm tiền đề cho năm 2014. Các ngành cần hoàn thành quy hoạch khu công nghiệp phụ trợ ở Bàu Bàng và hai khu công nghiệp kỹ thuật cao để chuẩn bị cho luồng đầu tư mới. Trong đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư cho những công trình trọng điểm, công trình bức xúc để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí. Trong thời điểm giao mùa tình hình dịch bệnh rất phức tạp, dịch bệnh trên người, cây trồng, gia súc, gia cầm…, các ngành liên quan cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và tổ chức lại lực lượng để phòng chống, dập tắt các loại dịch bệnh…

NHÓM P.V CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên