Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: Cần quan tâm cái gốc!

Cập nhật: 01-11-2013 | 00:00:00

Năm nay là một năm “đại hạn” của sơn mài Tương Bình Hiệp khi nhiều người làm nghề không còn trụ được. Muốn giúp làng nghề tìm lại thời cực thịnh, các cơ quan hữu quan nên quan tâm đến khâu nguyên phụ liệu thay vì đưa ra những kế hoạch vĩ mô hoành tráng! 

Cần tạo điều kiện cho làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sống lại

những ngày vui từ khâu nguyên phụ liệu

Niềm vui chưa trở lại

“Tiếp đón” chúng tôi ngay đầu làng sơn mài Tương Bình Hiệp là hệ thống showroom đã… đóng cửa, phần do vắng khách phần thì chủ cơ sở không còn theo nghề nữa. Tại đây có 10 kios đã kinh doanh hàng chục năm nhưng giờ người yêu nghề cũng không còn bám trụ được. Chị T.T cho biết: “Lúc trước, khách đến chỉ cần nhìn hình thức thấy đẹp là mua. Có tháng chúng tôi xuất đến vài container hàng đi nước ngoài. Sản phẩm bán tại chỗ cũng đạt doanh số vài trăm triệu đồng/tháng. Nhưng giờ họ chỉ đến xem rồi ngả giá, đòi mua nợ rồi đi luôn!”.

Sự khó khăn và mai một của làng nghề là điều đã được dự đoán từ trước, nhưng không ai nghĩ nó đến sớm và diễn ra quá nhanh như vậy. Theo nhiều chuyên gia cảnh báo từ các năm trước, do có quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết nên sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ khó thích ứng khi thị trường biến động. Điều này đã bắt đầu xảy ra từ năm 2009 khi giá nguyên liệu tăng mạnh, các thị trường truyền thống quay lưng… Quy mô làng nghề từ đó giảm mạnh chỉ còn khoảng 900 hộ với khoảng 3.000 nhân công.

Tuy nhiên, năm 2013 mới là cú sốc lớn đối với làng nghề Tương Bình Hiệp. Thị trường trong và ngoài nước sụt giảm nghiêm trọng. Lương nhân công tăng mạnh trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng cao, giá thành sản phẩm bị ép đến mức thấp nhất khiến sơn mài đã khó càng thêm khó. Đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp những ngày này, không khó để nhận ra hàng loạt kios trưng bày sản phẩm đóng cửa, những âu lo trĩu nặng của chủ cơ sở hay chính những mệt mỏi, lo lắng mất nghề, mất việc của hàng ngàn người làm công còn gắn bó với nghề. Niềm vui chưa trở lại với làng nghề sơn mài, trong khi nỗi buồn kéo dài trong suốt vài năm gần đây khiến nhiều cơ sở phá sản, thậm chí phải bán nhà, bán xưởng để trả nợ và lãi suất ngân hàng.

TPP có là cơ hội?

Khi chúng tôi đặt hy vọng về Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho nhiều chủ cơ sở sơn mài, họ đều lắc đầu: “Khó lắm! Không được đâu!”. Lý do các chủ cơ sở đưa ra vẫn là chuyện phương thức kinh doanh của làng nghề. Quy mô kinh doanh nhỏ lẻ không thể giúp sơn mài Tương Bình Hiệp “bơi” ra biển lớn, dù cơ hội mở ra không nhỏ. Ngoài ra, chính khâu nguyên liệu lại là vấn đề nan giải đầu tiên cản bước sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp cận TPP. Tuy là hàng thủ công mỹ nghệ nhưng sơn mài có đến 60% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản.

Mới đây, khi tiếp xúc với một họa sĩ nhiều năm tâm huyết với nghề sơn mài chúng tôi không khỏi giật mình với tiết lộ động trời: “Trước năm 1945, người Nhật đã sang Việt Nam xin mua lại công thức chế tạo sơn ta rồi học cách làm sơn mài theo kiểu Việt Nam. Sau đó đến người Trung Quốc, người Philippines… nhưng giờ thì chúng ta thua rồi. Sơn của họ được chế biến theo kiểu công nghiệp với máy móc, công thức hiện đại, độ bền, bóng vượt trội hơn sơn của mình. Chính vì thế, nhiều cơ sở sơn mài hiện nay phải nhập khẩu cả… sơn để sản xuất”.

Theo ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương: “Chúng ta còn phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu khác vì ngành công nghiệp phụ trợ trong nước quá yếu. Chẳng hạn, nhung để lót mặt trong các chiếc hộp, keo, PU hay chính chiếc bản lề cũng phải nhập từ Trung Quốc”. Cũng chính vì sự lệ thuộc nghịch lý này mà khi nói về TPP, các chủ cơ sở đều lắc đầu vì họ biết sản phẩm của mình không có cơ hội.

Thị trường Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác rất lớn, lại được hưởng thuế suất 0% nên nếu chiếm lĩnh được thị trường này, cơ hội để làng nghề tìm lại niềm vui trong quá khứ là cực lớn. Bởi vậy, để góp phần làm sống lại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, cũng như góp phần duy trì, phát huy một sản phẩm đặc trưng của đất Thủ cần có những định hướng, chiến lược rõ ràng từ các cơ quan hữu quan. Lâu nay, chúng ta thường nói về niềm yêu nghề, sản phẩm đẹp, những quy hoạch làng nghề tầm cỡ mà quên đi chính khâu quan trọng nhất là nguyên liệu, là xúc tiến quảng bá, là những trợ lực cần kíp của các cơ quan hữu quan để giúp làng nghề “sống lại”.

 

 KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên