P.falciparum là loại ký sinh trùng chiếm đa số ở phía nam nước ta, gây sốt rét ác tính và tử vong hiện đã kháng với thuốc điều trị đặc hiệu artemisinin.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013” với các tỉnh, thành phố nhằm bàn biện pháp khống chế dịch bệnh vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định ở nước ta, một số bệnh nhiễm trùng đã được khống chế nhưng nay tái bùng phát. Đó là sốt rét, tả, sởi, nhiễm khuẩn liên cầu heo, dại, tay chân miệng. Đặc biệt, tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại Bình Phước, Đắc Nông và một số địa bàn thuộc Đông Nam bộ.
Một ca cấp cứu điều trị cho bệnh nhân sốt rét, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM
Nguy cơ dịch quay lại
Các báo cáo mới nhất về y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hiện có 109 nước có sốt rét lưu hành và hàng năm có khoảng 300 - 500 triệu người mắc và hơn 1 triệu người tử vong vì sốt rét. Ở Việt Nam, từ đỉnh cao năm 1991 (144 vụ dịch sốt rét) thì nhiều năm qua không còn xảy ra dịch; số bệnh nhân sốt rét từ trên 1 triệu người/năm 1991 nay chỉ còn khoảng 50.000 người/năm; số người tử vong từ 4.646 trường hợp, nay chỉ còn vài chục; phạm vi lưu hành bệnh đã thu hẹp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tại Bình Dương, báo cáo thống kê về bệnh học của Sở Y tế cho thấy từ đầu năm đến nay, sốt rét vẫn xuất hiện rải rác ở nhiều huyện, thị và tuy chưa xảy ra ổ dịch nhưng nguy cơ tiềm ẩn rất cao.
TS - BS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM (Bộ Y tế), mới đây cũng đưa ra nhận định so với trước đây, dịch sốt rét đã giảm rất nhiều nhưng có thể quay lại, đặc biệt là ởcác vùng kinh tế khó khăn, nếu chúng ta không giải quyết được các yếu tố chuyên môn kỹ thuật như ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi truyền bệnh kháng hóa chất. Thêm vào đó là các yếu tố về tính chất lao động, canh tác, tập quán sinh hoạt của các quần thểdân cư liên quan nhiều đến nguy cơ mắc bệnh.
Lắm thách thức hơn
TS - BS Lê Thành Đồng cũng nhấn mạnh P.falciparum là loại ký sinh trùng chiếm đa số ở phía nam nước ta, gây sốt rét ác tính và tử vong hiện đã kháng với thuốc điều trị đặc hiệu artemisinin (phát hiện lần đầu tại xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Điều rất đáng lưu ý nữa là muỗi An.Epiroticus - một tác nhân truyền bệnh sốt rét chính ở khu vực ven biển Nam bộ- cũng đã kháng với các hóa chất đang được sử dụng hiện nay trong chương trình phòng chống sốt rét. Qua nghiên cứu các năm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Bến Tre... Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM đã chứng minh được muỗi An.Epiroticus đã tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng.
Vì vậy, việc sốt rét gia tăng ởtỉnh Bình Phước hay một số vụ dịch sốt rét xảy ra gần đây ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận), huyện Nhà Bè (TP.HCM)... là những minh chứng điển hình cho việc dịch sốt rét chẳng những chưa bị đẩy lùi hẳn mà còn có lắm thách thức hơn những gì chúng ta từng biết.
Thuốc chống sốt rét giả tăng nguy cơ đại dịch
Qua kiểm tra các loại thuốc chống sốt rét giả và không đủ chuẩn bày bán ở 11 quốc gia châu Phi từ năm 2002-2010, các nhà khoa học đã công bố trên số phát hành gần đây của tạp chí Malaria Journal rằng một số thành phần của thuốc có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt khi trộn chúng với các loại thuốc khác mà bệnh nhân có thể sử dụng.
Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo rằng thuốc chống sốt rét giả và chất lượng kém đang đe dọa những nỗ lực kiểm soát bệnh dịch này và có thể khiến hàng triệu người trên thế giới gặp nguy hiểm; ký sinh trùng sốt rét có thể kháng thuốc sau một thời gian sử dụng vàđiều này từng xảy ra với các loại thuốc như chloroquine và mefloquine, hoặc tác động tương tự như với thuốc artemisinin - một trong những loại thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất đang được sử dụng hiện nay trên toàn thế giới. Các loại thuốc giảdĩ nhiên là khó lòng vô hiệu hóa ký sinh trùng sốt rét, thay vào đó có thể giúp chúng tăng cường kháng thuốc artemisinin.
TS-BS LÊ TRUNG ĐỒNG