Mã số vùng trồng - Giải pháp quản lý nông sản hữu ích

Cập nhật: 15-12-2021 | 08:05:36

 Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé” thông hành với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng (MSVT) là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc.

 Nông nghiệp Bình Dương phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao. Trong ảnh: Trang trại chuối công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, xã An Thái, huyện Phú Giáo

Mang lại nhiều lợi ích

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, MSVT định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản. Nông sản có MSVT được đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường với nguồn gốc tại vùng trồng đó, nhằm tránh trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những “rào cản” về kiểm dịch thực vật của một số quốc gia đối với nông sản Việt Nam.

Các cơ sở được cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) sẽ được xuất khẩu chính ngạch, được ưu tiên làm thủ tục thông quan. Do đó, các cơ sở xuất khẩu nông sản cần phải có MSVT và MSCSĐG. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cấp mã số, mã vạch cho các loại nông sản. Tại các cửa khẩu, hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong vùng trồng đã được cấp MSVT sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Việc cấp MSVT và MSCSĐG hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu và cũng có thể xem đây là công tác tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa cho nông sản Việt Nam (đặc biệt là đối với các mặt hàng quả tươi) xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài. Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp MSVT có thể khác nhau và nếu không được cấp MSVT, MSCSĐG theo yêu cầu của nước nhập khẩu, nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu sang nước nhập khẩu đó.

Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết để được cấp MSVT, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng, đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp.

Đẩy mạnh tiến độ cấp MSVT

Tính đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp 3.414 MSVT cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu. Riêng với trái cây tươi, đã cấp 2.821 MSVT cho 12 loại trái cây, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả trong cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 9 MSVT và 7 MSCSĐG xuất khẩu sang Trung Quốc, 2 MSCSĐG xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Mỹ. Cụ thể, 7 MSVT chuối, diện tích 623,45 ha; 1 MSVT mít, diện tích 70 ha và 1 MSVT măng cụt, diện tích 7,5 ha.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới việc xuất khẩu nông sản, việc gắn MSVT hiện nay đang ngày càng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan tâm, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký. Việc cấp MSVT không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu mà còn giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.

Bà Phạm Đỗ Bích Quyên cho biết để việc sản xuất và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh được bền vững, cần tăng cường triển khai công tác cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG nông sản. Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định. Các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp MSVT, MSCSĐG gửi hồ sơ về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệthực vật tỉnh

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thời gian tới sở sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp MSVT. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần bảo đảm, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho nông dân.

 Phát biểu tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương vừa qua, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đánh giá Bình Dương là địa phương rất tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại, hợp tác xã ở Bình Dương có quy mô sản xuất rất lớn, có khả năng đáp ứng những hợp đồng tiêu thụ lớn. Tỉnh cần có kế hoạch quảng bá rộng rãi hơn về phát triển nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm chiến lược, cũng như thế mạnh về thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, sơn mài và du lịch trang trại của tỉnh. Đồng thời, mong muốn Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai cấp MSVT, đáp ứng được các tiêu chuẩn GAP ở những vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến tin tưởng của các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu, các đối tác có thể yên tâm ký kết bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh cần chú trọng thị trường nội tỉnh, kết nối tiêu thụ trong các khu công nghiệp của tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên