Năm mới nói chuyện đổi mới

Cập nhật: 30-01-2012 | 00:00:00

Không phải do nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài thì các nhà quản lý mới tìm cách đổi mới để tồn tại, mà đó chính là quy luật của sự phát triển. Kinh tế - xã hội vận hành và phát triển theo quy luật và quy luật đó cũng đã được thể hiện rõ nét trong quá trình phát triển của Bình Dương nhờ vào chủ trương mang tính đột phá: “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư - trải thảm đỏ đón trí thức, nhân tài”. Và, khi tất cả các tỉnh, thành trong nước đều “trải chiếu hoa” thì Bình Dương càng phải tiếp tục đột phá để phát triển...

Đột phá khâu quản lý Nhà nước

“HĐND tỉnh mỗi năm họp 2 lần, mỗi lần họp từ 1 đến 2 ngày để quyết định tất cả mọi vấn đề quan trọng của tỉnh là không đủ thời gian. Các Ban chuyên môn của HĐND tỉnh cũng làm việc như thế thì quả là quá hình thức nên cần phải có sự đột phá đổi mới trong hoạt động. Chúng ta thực hiện quyền giám sát theo nhiệm vụ được phân công, phù hợp tình hình thực tế, theo nguyện vọng của doanh nghiệp và cử tri. Vì vậy, cần kịp thời lắng nghe doanh nghiệp, cử tri để đề xuất với chính quyền và các ngành chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, ban hành, sửa đổi chính sách phù hợp, giúp nền kinh tế - xã hội ổn định và phát triển”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Trần Thị Kim Vân nói.

 Công nhân Công ty Cổ phần Tôn Đông Á vui mừng chào đón lãnh đạo tỉnh đến thăm và chúc mừng năm mới

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Văn Hảo, phân tích: “Hiện tại, Bình Dương có 28 KCN nhưng đến năm 2020 phát triển lên 37 KCN. Tuy nhiên, nhìn lại tỷ lệ lấp đầy thì mỗi KCN chỉ đạt trên 60%. Nếu chúng ta tiếp tục chạy theo số lượng sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, phát sinh tình trạng thừa nhà đầu tư nhưng thiếu lao động (vì các tỉnh, thành khác cũng đang tìm cách mời gọi đầu tư), chất lượng phát triển sẽ không bền vững! Trong khi đó, với tốc độ phát triển như hiện nay thì tất cả các bệnh viện, trường học đều đang quá tải. Vì vậy, cần phải điều chỉnh để phát triển thực chất, phù hợp chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa, bảo đảm niềm tin của nhà đầu tư, của người dân vào bộ máy Nhà nước”.

Thu ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng mang tính quyết định trong việc điều hành bộ máy Nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nên việc giao chỉ tiêu “năm sau cao hơn năm trước” là đúng, nhưng cần phải có chủ trương, chiến lược phù hợp vì các nguồn thu lớn chưa thật ổn định! Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng, nêu: “Giao chỉ tiêu thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước là phù hợp với quy luật phát triển, nhưng nếu xảy ra tình huống bất ngờ thì phải kịp thời báo cáo để xin điều chỉnh kế hoạch. Do vậy, khi xây dựng kế hoạch thu cũng phải lập thêm kế hoạch dự phòng. Đó chính là cách bảo đảm nguồn thu phục vụ phát triển một cách có kế hoạch”.

Đổi mới khâu quản trị doanh nghiệp

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á Nguyễn Thanh Trung, cho biết: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và cơ cấu lại sản xuất là nhiệm vụ thường xuyên của doanh nghiệp. Có một nền văn hóa vững chắc sẽ giúp nhân sự vững tâm vượt qua trước mọi hoàn cảnh khó khăn vì tất cả trở thành một khối. Cơ cấu lại sản xuất là để tiết giảm chi phí bất hợp lý, không cần thiết. Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện là một quá trình nếu chúng ta không đặt ra các câu hỏi, như làm việc đó để làm gì, làm cho ai? Tôn Đông Á đã có bộ quy tắc ứng xử phù hợp với nền văn hóa Á Đông, với con người và đạo lý xã hội. Vì vậy, có người vào làm việc tại công ty từ ngày thành lập đến nay mà vẫn ở một vị trí nhưng không hề nản lòng, mà ngược lại còn rất thích thú vì yêu công việc, yêu nơi mình đang làm việc. Ở đây cũng không có chuyện là kỹ sư thì được quan tâm trọng dụng hơn người quét rác, mà tất cả đều được tôn trọng như nhau... Từ nền tảng văn hóa đó mà lâu nay Tôn Đông Á đã không xảy ra tình trạng tiêu cực hay tham nhũng”.

Cùng ý nghĩ này, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ cao cấp Cường Phát Lý Ngọc Bạch, bày tỏ: “Với hệ thống dây chuyền công nghệ, máy móc hiện đại như hiện nay thì không thể không nhờ người bên ngoài tư vấn, vận hành, nhưng nhờ mình sống thủy chung với anh em từ đầu nên anh em coi công việc của công ty như công việc của chính gia đình mình và không hề có chuyện tham nhũng hay chèn ép, chơi xấu nhau. Cũng nhờ bộ máy hoạt động ổn định như vậy mà trước tình hình kinh tế khó khăn mấy năm qua, nhiều thị trường lớn mang tính truyền thống bị suy giảm mạnh, Cường Phát đã chuyển sang vừa sản xuất, tiêu thụ trong nước, vừa duy trì thị trường cũ, tìm kiếm thị trường mới nên đã trụ vững”.

Tiếp thu doanh nghiệp trên bờ vực phá sản nhưng chỉ sau 2 năm sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đã bắt đầu có lãi với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Bí quyết thành công của công ty được Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Trung nói gọn trong 2 chữ “đổi mới”. Đó là  tiết  giảm nhân sự từ vài trăm người xuống còn vài chục người, cùng nhau đoàn kết thành một khối để làm việc hiệu quả. Bởi theo ông Trung, đổi mới mà không đoàn kết thì sẽ rất khó thành công.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên