Nâng cao hiệu quả hoạt động các hiệp hội ngành hàng: Cần tăng cường sự liên kết

Cập nhật: 21-12-2012 | 00:00:00

   Các HH có thể hỗ trợ nhau tốt hơn nếu có sự liên kết. Ngành dệt may cần sự hỗ trợ của HH cơ điện đối với các thiết bị cơ điện phục vụ sản xuất. Trong ảnh: Dây chuyền dệt vải của Công ty Thiên Nam

 Thực trạng hoạt động của các HH

Theo nhận định của Sở Công Thương, mặc dù kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng có tăng so với năm trước và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng thực tế hoạt động của các HH ngành hàng tại Bình Dương hiện vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân là do còn bị giới hạn trong hoạt động, dẫn đến hiệu quả chưa cao; do tài chính nhân sự và cả ý thức tham gia, xây dựng phát triển HH từ phía các DN còn kém. Về phía thành viên, nhiều DN chưa nhận thức được các lợi ích mà HH đem lại.

Ông Thái Kim Điền, Chủ tịch HH Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, cho biết năm 2012, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, ngành sơn mài - điêu khắc gặp không ít khó khăn, một số DN sản xuất cầm chừng, từ đó không tham gia vào HH. Nguồn tài chính của HH vẫn trên tinh thần kêu gọi tự nguyện đóng góp là chính, trong khi hội viên đa phần là cơ sở hộ gia đình nhỏ lẻ nên đóng góp có hạn; một số cơ sở có khách hàng ổn định thì không tham gia sinh hoạt… Nói về những khó khăn mà HH thường gặp, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HH Chế biến gỗ Bình Dương, nhận xét: “Nhiều HH không phát triển được là do thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. HH hoạt động dựa vào hội phí, trong khi nhiều hội viên không đóng hội phí. Bên cạnh đó, giữa các DN trong và ngoài HH vẫn còn thiếu sự liên kết, chưa có sự liên kết giữa các HH với nhau nên hiệu quả hoạt động của các HH trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của DN chưa cao”.

Ngoài những thực trạng nêu trên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như có những HH chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN trong cùng ngành hàng, chưa giúp DN ký kết các hợp đồng. Phần lớn, các DN chủ động tìm kiếm nguồn hàng từ mối quan hệ sẵn có của họ. Cùng với đó, nhiều DN của một số HH chưa có website, không có nhân viên phụ trách kinh doanh, thậm chí không có cả địa chỉ email và fax để liên lạc hoặc tiếp nhận thông tin.

Biện pháp nào để hoạt động hiệu quả?

Trước những khó khăn của các HH ngành hàng, nhiều câu hỏi được đặt ra là: Làm sao để HH ngành hàng phát triển? Làm sao để vận động các DN tham gia HH?… Trong khi đó, Bình Dương đang trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có nhiều ngành công nghiệp phát triển như dệt may, da giày, chế biến gỗ… nên vai trò hoạt động của các HH ngành hàng này càng được quan tâm. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN hội viên, các HH cần phải nâng cao vai trò của mình, phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ chuyên trách có chuyên môn cao; có kế hoạch tạo nguồn tài chính độc lập, đủ mạnh. Bên cạnh đó, những người tham gia vào HH phải có ý thức trách nhiệm và tích cực tham gia vào các hoạt động của HH thì HH mới mạnh lên được. Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, vấn đề tạo mối quan hệ, tăng cường liên kết giữa các DN và HH với nhau là xu thế tất yếu. “Các HH phải tăng cường liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để làm chỗ dựa cho Nhà nước và DN thành viên. HH cần có sự liên kết chặt chẽ với ngân hàng, bởi DN muốn tồn tại, phát triển và mở rộng thì phải có vốn từ ngân hàng”, ông Liêm nhấn mạnh.

“ Các HH có vai trò rất lớn trong vấn đề góp ý, xây dựng chính sách luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên khi xảy ra vấn đề tranh chấp; là cầu nối giữa DN và chính quyền địa phương”

 (Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI)

Đồng tình với nhận định này, ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải thực hiện sự liên kết giữa các HH. Tuy mỗi HH hoạt động trong một vài lĩnh vực riêng, nhưng vẫn có liên quan với nhau. Ví dụ hội viên của HH gỗ cần thiết bị cơ điện, sản phẩm cơ khí của HH cơ điện. Ngoài ra, các HH ngành hàng có nhiều mối quan hệ có thể hỗ trợ lẫn nhau, nên cần thiết lập các mối quan hệ để các HH có thể trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, giới thiệu khách hàng cho nhau, ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau…”.

Tăng cường liên kết các HH, giữa các DN trong và ngoài HH không những giảm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn là đòn bẩy đẩy mạnh liên kết vùng về kinh tế, sản xuất; thúc đẩy chuyên môn hóa sản xuất, tạo thành chuỗi liên hoàn trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc nâng cao hơn nữa mối liên kết giữa các HH, giữa các DN trong và ngoài HH với nhau là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh các DN Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới như hiện nay.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên