Nâng cao năng lực đào tạo nghề

Cập nhật: 05-12-2017 | 08:02:14

Trong những năm qua, mạng lưới các trường, cơ sở giáo dục đào tạo nghề ở Bình Dương đã đổi mới bằng cách bổ sung thêm các ngành nghề phù hợp, thu hút đông học viên (HV). Mặt khác, các trường nghề còn liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, tìm đầu ra cho HV sau khi ra trường. Đây là hướng đi mới để trường nghề cạnh tranh, xóa đi tâm lý bằng cấp.

 Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore

 Đa dạng ngành nghề

Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ (TX.Dĩ An) được thành lập từ năm 1977. Từ đó đến nay, trường có nhiều thay đổi từ việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại và bổ sung nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Thầy Trần Đăng Bổng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những ngày đầu thành lập trường có 5 nghề chính. Đến giai đoạn 1983-1996, trường nâng lên 7 nghề. Giai đoạn mới 2008 đến nay, trường tổ chức đào tạo 3 cấp, trong đó cao đẳng 7 nghề và 20 nghề trình độ trung cấp, sơ cấp nghề. Việc bổ sung thêm các ngành nghề đã giúp nhà trường thu hút đông HV.

Đối với trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương (TX. Bến Cát) từ khi thành lập đến nay, trường luôn nỗ lực xây dựng truyền thống “Đoàn kết -sáng tạo - hội nhập - phát triển”, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nhiều cán bộ, kỹ sư cho tỉnh. Để làm được điều đó, trường liên tục bổ sung các ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng như kế toán doanh nghiệp sản xuất, kế toán doanh nghiệp thương mại dịch vụ, kế toán ngân sách hành chính sự nghiệp, thuế Nhà nước… Từ tháng 4-2017 đến nay, trường đã mở thêm 2 chuyên ngành Kế toán tin học, Điện công nghiệp và dân dụng. Với những nỗ lực đó, năm học 2017-2018, nhà trường đã tuyển dụng vượt chỉ tiêu đề ra.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 72 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 8 cơ sở quy mô trường cao đẳng và 13 trường trung cấp. Để thu hút HV, các trường nghề đã chủ động thay đổi, bổ sung các ngành nghề phù hợp. Trước đây, Bình Dương là tỉnh nông nghiệp nên các trường chú trọng đào tạo các nghề nông nghiệp. Hiện nay, các trường đã chuyển hướng sang các ngành nghề đáp ứng với một tỉnh phát triển công nghiệp và các ngành nghề phi nông nghiệp.

Nhà trường - doanh nghiệp liên kết

Bổ sung các ngành nghề mới vẫn chưa đủ, để phát triển, các trường nghề phải có một chiến lược đào tạo phù hợp, gắn liền với thực tiễn xã hội, người lao động sau khi qua đào tạo phải kịp thời có việc làm phù hợp, tay nghề đáp ứng đuợc ngay với công việc. Do đó, việc liên kết đào tạo theo phương châm “nhà trường là nền tảng - doanh nghiệp là cơ sở thực hành” là một nhu cầu tất yếu.

Ông Nguyễn Hải Sơn, Chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương hiện có hơn 200 doanh nghiệp thành viên với khoảng 60.000 lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp trực thuộc có nhu cầu tuyển dụng từ 5.000 - 6.000 lao động. Để chủ động trong kế hoạch tuyển dụng, Hiệp hội đã ký kết đào tạo với trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam bộ và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo cung ứng nhân lực theo yêu cầu tuyển dụng cụ thể của từng doanh nghiệp.

Bên cạnh sự liên kết, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi vẫn là phát huy năng lực nội tại của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị phải xây dựng được cho mình một chương trình đào tạo hợp lý với yêu cầu đổi mới phương thức giảng dạy trong một môi trường học tập năng động, gắn kết giữa lý thuyết và kỹ năng thực hành, bám sát yêu cầu thực của từng ngành nghề, nhằm phát huy tính độc lập, chủ động sáng tạo của HV. “Sự chủ động từ phía nhà trường là quan trọng nhất, vì muốn sản phẩm “bán” được thì phải bảo đảm chất lượng đào tạo”, ông Hải Sơn nói.

“Liên kết đào tạo bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà trường - doanh nghiệp”, đó là lời khẳng định của ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. Theo đó, các cơ sở đào tạo nghề được nâng cao về chất lượng đào tạo nhờ có sự điều chỉnh chương trình phù hợp, tăng cường thực hành trong thực tiễn sản xụất kinh doanh, công tác kiểm định chất lượng đầu ra chính xác và khách quan hơn nhờ sự tham gia của doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được nâng cao năng lực nhờ được tiếp cận với máy móc thiết bị, công nghệ mới... Đối với doanh nghiệp, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề không chỉ giúp bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn có thể cắt giảm phần chi phí đào tạo lại cho người lao động, từ đó làm tăng lợi ích tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở LĐ- TB&XH đã tạo điều kiện để các trường có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, liên kết đào tạo với doanh nghiệp.

 THIÊN LÝ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên