Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên

Cập nhật: 17-09-2016 | 06:50:00

Để nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho đội ngũ thanh niên công nhân, nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, nhiều tổ chức đoàn, thể, ban ngành đã phối hợp tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên với nhiều hình thức phong phú.

 Tư vấn pháp luật cho thanh niên góp phần bảo đảm an ninh trật tự và ổn định xã hội. Trong ảnh: Các phiên tòa giả định dựng lại các tình huống có thật nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên. Ảnh: T.L

Theo chân một chương trình tư vấn pháp luật cho đồng bào DTTS tại xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên do Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp phối hợp tổ chức, chúng tôi càng hiểu thêm về sự tận tình của những cán bộ làm công tác tuyên truyền. Tân Định là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Tân Uyên với khoảng 50 hộ thanh niên DTTS (gần 300 thanh niên DTTS). Đa số họ làm nghề cạo mủ cao su mướn, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ít được nắm bắt thông tin, đặc biệt là các thông tin pháp luật. Việc đưa ra các tình huống thường xảy ra khi quan hệ hôn nhân cận huyết, hay hệ lụy từ nạn tảo hôn... đã thu hút sự quan tâm của lứa tuổi thanh thiếu niên địa phương này.

Với mục đích nâng cao ý thức, lối sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của người dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội… giúp người dân nông thôn và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế thua thiệt khi tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật (PBPL) cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ra đời. Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, 4 năm qua, văn phòng đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hơn 31 lớp phổ biến kiến thức pháp luật với hơn 1.800 lượt người là đồng bào DTTS tham gia học tập, trong đó đa số là thanh niên. Các văn bản luật được triển khai đến bà con là những văn bản liên quan sát sườn đến với cuộc sống như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Giao thông đường bộ…

Anh Nguyễn Đức Chính, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền pháp luật Sở Tư pháp chia sẻ: “Do đối tượng thanh niên đồng bào DTTS đặc thù nên công tác tuyên truyền, PBPL đã lựa chọn nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng địa bàn và đối tượng tuyên truyền. Phần lớn đồng bào DTTS, trình độ dân trí chưa cao nên ngành tư pháp tỉnh đã chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu. Trong quá trình tuyên truyền có sử dụng máy chiếu để minh họa những hình ảnh, tư liệu giúp học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng được tổ chức theo hướng động, có sự tương tác giữa báo cáo viên và học viên để làm sáng tỏ những vấn đề mà học viên còn thắc mắc, chưa rõ. Ngoài ra, báo cáo viên còn đưa ra những tình huống, những câu hỏi thường gặp trong hôn nhân như vấn đề tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân; những quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con trong và sau thời kỳ hôn nhân... nhằm giúp thanh niên DTTS dễ nắm bắt các nội dung...”.

Song song đó, đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên tỉnh Bình Dương” giai đoạn 2014-2018 do Tỉnh đoàn triển khai cũng góp phần tích cực nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cơ bản cần thiết cho đoàn viên, hội viên, thanh niên trong cuộc sống và công việc, giúp thanh niên chậm tiến nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Nội dung tuyên truyền trọng tâm là Hiến pháp năm 2013; pháp luật về lao động, bảo hiểm; pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em... Trong đó, 95% thanh thiếu niên được tuyên truyền, PBPL liên quan trực tiếp; 100% đoàn viên, thanh thiếu niên được tuyên truyền về Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ môi trường. Đề án cũng duy trì hoạt động của 12 đội hình chuyên với khoảng 400 - 500 tình nguyện viên thường xuyên tham gia tuyên truyền, PBPL cơ bản tại cơ sở, phục vụ chủ yếu cho các đối tượng như: Thanh niên công nhân lao động; học sinh THPT và sinh viên trung cấp chuyên nghiệp; thanh niên trên địa bàn dân cư, khu vực quy hoạch, khu vực nông thôn; thanh niên chậm tiến tại các trại giam, cơ sở giáo dục. Việc tuyên truyền được thực hiện qua các hình thức như tổ chức các cuộc thi viết và hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho từng nhóm đối tượng thanh niên; các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp pháp lý; tập huấn báo cáo viên, cộng tác viên tham gia các hoạt động của đề án.

Có thể nói, việc tuyên truyền PBPL cho thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh niên công nhân, nông thôn và đồng bào DTTS là việc làm quan trọng góp phần nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên. Tuy nhiên, để nâng cao hiểu biết của thanh niên về pháp luật, việc tuyên truyền cũng cần có nhiều đổi mới tích cực, phù hợp, gần gũi hơn. Đơn cử như lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hóa của người dân; “sân khấu hóa” hình thức tuyên truyền, nhằm xây dựng nội dung dễ hiểu, không bị nhàm chán và thực sự mang lại kiến thức bổ ích cho thanh niên.

THANH LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên