Với việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực vào quá trình hiện đại kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, thúc đẩy hình thành các khu đô thị và khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, tạo nguồn thu ngân sách đáng kể, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn lao động, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Xây dựng các KCN theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP I tại TP.Thuận An
Phát triển bền vững
Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tại Bình Dương đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, mà được đầu tư xây dựng theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn Nhà nước là chủ yếu. Trong các KCN đã thành lập có 2 KCN do doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.816 tỷ đồng, 3 KCN liên doanh với vốn đầu tư 11.581 tỷ đồng. Các KCN còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.406 tỷ đồng. Tỉnh đang xây dựng KCN khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới.
So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch 33 KCN với tổng diện tích 15.790 ha. Hiện tại, đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (KCN VSIP III và KCN Cây Trường), với tổng diện tích 1.700 ha. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất.
9 tháng của năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng 8,6%. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giátrị sản xuất toàn ngành công nghiệp và là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Trong đó, các KCN đóng vai trò nòng cốt.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, trong 9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp trong KCN đã giải ngân 1,9 tỷ đô la Mỹ, doanh thu đạt 24,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,19% so với cùng kỳ và đạt 69,52% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,71% so với cùng kỳ và đạt 71,61% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,81% so với cùng kỳ và đạt 83,75% kế hoạch năm.
Hướng tới chuẩn mực cao hơn
Với kinh nghiệm triển khai xây dựng hạ tầng KCN, hiện nay Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về KHCN, bảo vệ môi trường, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế. Việc thành lập KCN VSIP III thể hiện quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp mới. Hiện các KCN trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Tín cho biết thêm giai đoạn tới, việc xây dựng phát triển các KCN của tỉnh sẽ chuyên sâu hơn. Trong năm 2020-2025, tập trung triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng, đồng thời nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
NGỌC THANH