Ngành công thương Bình Dương: “Vượt bão” thành công

Cập nhật: 19-12-2013 | 00:00:00

Năm 2013 kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, sức mua của người dân vẫn chưa hồi phục, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng do tiêu thụ sản phẩm chậm nên việc vay vốn để đầu tư của các doanh nghiệp còn hạn chế... Những yếu tố bất lợi trên tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư. Tuy nhiên năm 2013, công nghiệp tỉnh nhà vẫn đạt những thành công đáng ghi nhận.

Vẫn tăng trưởng trong khó khăn

Trong năm, Bình Dương đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách của Chính phủ chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu... và sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn và giữ vững sự ổn định, phát triển chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường mới, lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ (từ 10 - 15%). Do vậy, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 162.177 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2012, đạt 99% kế hoạch. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện 50.817,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30%, tăng 13,9%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 111.359,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70%, tăng 15,6%. Nếu phân theo ngành, công nghiệp khai thác ước thực hiện 1.031,7 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến 160.511,4 tỷ đồng, tăng 15,2%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước 634,6 tỷ đồng, tăng 2,8%.

Ngành may mặc đã có nhiều đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong ảnh: May hàng thời trang xuất khẩu tại Doanh nghiệp may Quốc tế ở An Điền, Bến Cát

Trong năm, một số mặt hàng chủ yếu có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ như thiết bị bán dẫn tăng 77,3%; gạch ốp tường và lát nền tăng 23,5%; sản phẩm bằng cao su, nước uống tăng 18,1%; plastic tăng 16,1%... Nhìn chung, sản xuất công nghiệp năm 2013 của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và mức tăng cao hơn so với năm 2012 nhưng còn ở mức thấp so với những năm trước đó (năm 2011 tăng 17,8%; năm 2012 tăng 14,2%; năm 2013 tăng 15,1%). Điều này có thể thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do trong bối cảnh kinh tế suy giảm, sức mua trên thị trường trong và ngoài nước đều ở mức thấp, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 99% kế hoạch đề ra là một sự nỗ lực khá lớn của các ngành, các cấp cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Phát huy thành quả trên, năm 2014, lãnh đạo Sở Công thương cho biết sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, xét đến năm 2025; tiếp tục tổ chức nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tình hình hoạt động các hiệp hội ngành hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua các buổi tiếp xúc, đi cơ sở và tổ chức hội nghị “Tiếp xúc với các doanh nghiệp công nghiệp”; tiếp tục phối hợp với các huyện, thị, thành phố về triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn; xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án khuyến công địa phương và quốc gia năm 2013 đã được phê duyệt, tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và hỗ trợ các đề án chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa và thực hiện tốt chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, chương trình thương mại điện tử, chương trình vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Đối với các hoạt động nhạy cảm, Sở Công thương sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra các lĩnh vực thuộc ngành quản lý như điện, vật liệu nổ công nghiệp, xăng dầu, chiết nạp gas (LPG)... nhằm quản lý doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện công tác thanh, kiểm tra đột xuất theo sự chỉ đạo của cấp trên và theo đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc chức năng. Đặc biệt, là công tác giám sát định kỳ việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 100/KH-SCT ngày 31-1-2013 của Sở Công thương về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường gắn với kế hoạch kiểm tra nghiệp vụ trong các ngày còn lại của năm 2013. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý thị trường trong tình hình mới. Phát hiện kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật, xử lý các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014 của Ban chỉ đạo 127 Bình Dương và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên