Ngành dệt may: Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Cập nhật: 13-12-2019 | 08:43:19

Năm 2019, ngành dệt may Bình Dương trải qua những diễn biến không ổn định: Đầu năm khởi sắc, chững lại trong quý III, quý IV... Mặc dù vậy, điểm chung của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh là vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đang tập trung cho kế hoạch năm 2020.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty May mặc Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Nhiều cố gắng

Ghi nhận cho thấy trong những tháng cuối năm 2019, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh không khả quan như đầu năm. Mặc dù vậy, vẫn có những DN có đơn hàng dồi dào đến cuối năm. Điển hình như Công ty Dệt may Bình Dương, hiện có đơn hàng đến quý I-2020. Ông Phan Văn Đức, Tổng Giám đốc công ty, cho biết nhờ có nhiều bứt phá trong khâu thiết kế, chủ động tìm kiếm thị trường nên đơn hàng của công ty vẫn tăng đều. Năm 2020, thị trường xuất khẩu dự báo sẽ diễn biến rất khó lường. Công ty đang nắm sát diễn biến thị trường để có giải pháp hiệu quả nhất ứng phó với những khó khăn phát sinh.

Trong khi đó, ông Vương Kiến Thành, Trưởng phòng thu mua Công ty TNHH Công nghiệp dệt Hugo Bambo (TX. Bến Cát), cho biết thị trường Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các quốc gia có thuế suất ưu đãi, nguồn nhân công giá rẻ như Campuchia, Pakistan... và có nhiều nước đang tập trung hỗ trợ ngành dệt may. Đáng chú ý, những quốc gia có ngành dệt may mới nổi ở châu Phi cũng đang tăng tốc xuất khẩu khiến các DN dệt may trong nước không duy trì được đơn hàng như trước.

Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, năm nay tình hình xuất khẩu dệt may không tăng trưởng đúng như kỳ vọng, một phần là do các thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn còn trong lộ trình cắt giảm thuế suất; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng ảnh hưởng không tốt đến ngành dệt may toàn cầu... Tính đến thời điểm này, đơn hàng của các DN thành viên chỉ bằng 80 - 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, đây là khó khăn chung của nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may. Thậm chí, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam còn được đánh giá là khả quan hơn nếu so với các quốc gia khác. Cụ thể, tính đến hết quý III, dù tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt 9,1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng lại là mức tăng trưởng cao nhất so với các cường quốc dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 39,5 tỷ USD (kế hoạch là 40 tỷ USD).

Áp lực từ các khoản chi phí

Hiện sản phẩm dệt may của Việt Nam đang có nhiều ưu thế trên thị trường quốc tế, được người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng. Điều này xuất phát từ việc có nhiều DN đã chủ động chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh và xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy vậy, cũng giống như nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác trong nước, dệt may đang chịu chi phí rất lớn từ đầu vào. Tìm hiểu tại một số công ty may mặc trên địa bàn tỉnh cho thấy mức lương công nhân được trả từ 350 - 400 USD/người, trong khi đó tại Myanmar, Bangladesh, Campuchia chỉ khoảng 250 USD/người. Cùng với đó, DN còn phải đóng các loại thuế, phí, bảo hiểm... làm chi phí đầu vào tăng cao gây không ít áp lực cho DN.

Vitas khuyến cáo các DN dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đặc biệt, trong tháng cuối cùng của năm 2019, các DN cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm ổn định sản xuất; chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do; đồng thời phải tuân thủ yêu cầu về nhãn hàng, hướng tới sự phát triển bền vững và thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới các DN dệt may trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng cần tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhất là ổn định nguồn nguyên phụ liệu dệt may trong nước (hiện đang lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc)... Bên cạnh đó, các DN dệt may cần liên kết với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để chuẩn bị lực lượng lao động dồi dào, ổn định, có trình độ tay nghề cao; quan tâm nhiều hơn đến sản xuất xanh - một trong những tiêu chí quan trọng của thị trường dệt may toàn cầu hiện nay…

Thời gian qua, tỉnh đã và đang tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, như công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt... Điều quan trọng chính là mỗi DN cần khắc phục ngay những yếu kém của mình, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thị trường có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên