Ngành khoa học và công nghệ: Đạt nhiều kết quả tốt trong quản lý, triển khai dự án

Cập nhật: 29-11-2018 | 09:04:29

Năm 2018, ngành khoa học và công nghệ (KHCN) của tỉnh đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu KHCN, các dự án. Đồng thời, ngành cũng phối hợp với các ngành thực hiện tốt các chương trình lớn của tỉnh như hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) 2018, các nội dung của Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương… 

Chuyển biến trong công tác quản lý KHCN

Theo Sở KHCN, các nhiệm vụ KHCN được triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 đã có bước đổi mới. Nổi bật là nhiệm vụ KHCN được đơn vị thực hiện theo đơn đặt hàng của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp (DN) gắn với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, sở đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu và bàn giao 16 đề tài cho các đơn vị để triển khai ứng dụng và kiểm tra tiến độ thực hiện 14 đề tài.

Học viên các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh tham quan, tìm hiểu hoạt động của phòng Fab lab tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Ảnh: NGỌC NHƯ

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, đánh giá nhìn chung trong năm 2018, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, triển khai các nhiệm vụ đề ra kịp thời, bảo đảm tiến độ và chất lượng; các nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của đơn vị. Đồng thời, ngành đã ứng dụng kết quả nghiên cứu của 6 đề tài vào thực tiễn, như Đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục”, Đề tài “Hướng tới một thành phố sống tốt: Đánh giá chất lượng sống dân cư và xây dựng bộ chỉ số sống tốt tại Bình Dương”, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương”…

Cùng với công tác triển khai nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo định hướng, Sở KHCN còn tăng cường quản lý nhà nước về mặt công nghệ đối với các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, sở đã góp ý 60 dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển góp ý kiến; tổ chức đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của 3 nhóm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh... Qua kết quả đánh giá, một số giải pháp đã được sở đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng - đổi mới công nghệ; đồng thời duy trì cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu…

Cùng với đó, qua việc kiểm tra áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001 của các cơ quan của Sở KHCN cho thấy kết quả đạt được đáng khích lệ. Cụ thể, các quy trình giải quyết công việc được các cơ quan kiểm soát chặt chẽ, đơn giản hóa các thủ tục, thời gian giải quyết công việc được rút ngắn; nâng cao được chất lượng cung cấp dịch vụ công, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách hành chính và từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh.

Góp sức xây dựng thành phố thông minh

Trong Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, Sở KHCN là một trong những sở, ngành đóng vai trò quan trọng. Do đó, trong năm 2018 sở đã triển khai một số công tác liên quan đến đề án, như tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo cho cán bộ, công chức các sở, ngành; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp…

Ông Cường cho biết qua việc khảo sát các phòng thí nghiệm tại 6 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để xây dựng kế hoạch hỗ trợ thành lập phòng thí nghiệm chế tạo (Fab lab), đến nay Fab lab tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC). Dự kiến BIIC sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019 và do một đơn vị trực thuộc Sở KHCN quản lý, vận hành trên cơ sở huy động, liên kết với các thành phần có liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và chương trình hoạt động do Sở KHCN xây dựng trong kế hoạch.

Một điểm nhấn là việc UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020. Đây là cơ sở để các ngành liên quan triển khai có hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh thông qua việc triển khai mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp).

Theo lãnh đạo Sở KHCN, một thuận lợi nữa đối với Bình Dương trong xây dựng thành phố thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là thông qua hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong quy hoạch tổng thể để xây dựng thành phố thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” được tổ chức vào tháng 6-2018, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam đã cam kết sẽ hỗ trợ Bình Dương trong việc xây dựng thành phố thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan IPP”.

 Trong khuôn khổ WTA 2018, Sở KHCN đã phối hợp và chủ trì tổ chức nội dung Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tại diễn đàn này, các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề những thách thức trong phát triển thành phố thông minh; chiến lược đổi mới sáng tạo để phát triển thông minh hơn; chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng trong thành phố thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thành phố thông minh…

 

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên