Người đi cùng những cuộc chiến trên đất Thủ

Cập nhật: 15-12-2012 | 00:00:00

Cách đây 70 năm, Xứ ủy Nam kỳ mở mặt trận đấu tranh mới có tên gọi “Tổ chức Thanh - Thiếu niên” (còn gọi là Thiếu sinh quân) trên đất Châu Thành (nay là thành phố Thủ Dầu Một). Những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi thuở đó vẫn chưa quên khí thế hừng hực của “những ngày trước rạng đông”.

Trong căn nhà cũ ở phường Định Hòa (Thủ Dầu Một), người lính già Nguyễn Văn Hữu (bí danh Một Hữu, sinh năm 1931), nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành luôn đăm chiêu về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ Bình Dương ngày đó.

“Mặt trời chân lý chói qua tim”

Những ngày cuối năm 1943, ông Một Hữu và nhiều thanh thiếu niên ở phường Định Hòa có dịp nghe ông Nguyễn Đức Thuận, thời đó là Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ kể chuyện “Người đảng viên ở tù”, lửa căm hờn giặc vốn đã cháy hừng hực trong tim ông càng bùng lên mạnh mẽ. Vài ngày sau đó, ông Một Hữu lúc này là học sinh lớp đệ ngũ tham gia lực lượng Thiếu sinh quân huyện Châu Thành.

 Ông Một Hữu cùng dòng ký ức vượt thời gian Thời gian mới tham gia lực lượng, ông Hữu viết chữ rất đẹp nên được phân công viết khẩu hiệu chuẩn bị cho Mặt trận Việt Minh. Sau gần 2 năm tham gia cách mạng, chàng thanh niên quê Tương Bình Hiệp được tổ chức cử đi học lớp lý luận chính trị cách mạng đầu tiên ở đất Thủ vào tháng 9-1945.

Không lâu sau khi trở về từ lớp học lý luận chính trị cách mạng, “tân binh” Một Hữu được giao nhiệm vụ chuyển báo cáo của Xứ ủy Nam kỳ. Công việc chính của anh chàng “giao liên” Nguyễn Văn Hữu là đưa báo cáo công tác tại mặt trận Châu Thành về tổng bộ. Nhiều lần giáp mặt địch, nguy cấp quá, ông Một Hữu nuốt báo cáo vào bụng rồi nhảy xuống sông ẩn mình dưới đám lục bình. Thời gian này, được xem là một bước thử thách, tôi rèn “tinh thần thép cách mạng” cho chàng trai đất Thủ.

Năm 1947, người thanh niên ưu tú Nguyễn Văn Hữu được tổ chức đưa đi học khóa mật vụ kháng chiến. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược ngày càng trở nên cam go. Nhiều hoạt động chính trị buộc phải tạm ngưng để tập trung cho việc chống địch trên mặt trận bom đạn. Năm 1950, ông Hữu chính thức được kết nạp vào đơn vị bộ đội Nguyễn Huệ với tổng quân số khi đó là 60 người. Thời gian này, toàn đơn vị chỉ có 3 cây súng nên bàn giải pháp đánh du kích. Chiến dịch du kích dài ngày của đơn vị Nguyễn Huệ bước đầu làm cho tinh thần quân địch hoang mang lo sợ tột độ. “Giặc lắm quân, nhiều vũ khí, nên anh em trong đơn vị bàn nhau cài trái (mìn), đào hầm chông, hố đinh… để tiêu hao sinh lực địch”.

Năm 1952, ông Hữu được đưa về làm cán bộ tình báo rồi Bí thư Chi bộ xã Phú Chánh. Hai năm sau đó, ông về nhận nhiệm vụ mới ở văn phòng Huyện ủy Châu Thành. Nằm trong chiến dịch bám dân, bám đất, năm 1958, Huyện ủy Châu Thành bắt đầu chia nhỏ trụ sở đưa cán bộ về sống trong dân. Thời gian này, ông Một Hữu đảm nhận nhiệm vụ “đầu mối” đồn trinh thám các động thái quân sự, chính trị của địch. Lực lượng quân đội địa phương (Châu Thành) và quân đội chính quy thuộc Chiến khu Đ đã phối hợp ăn ý theo phương án “nội ứng, ngoại hợp” tiêu diệt gọn đồn Tân Bình quân địch khiếp sợ.

“Cầm chân địch trong vùng đất thép”

Sau nhiều phen càn quét thất bại, những năm 1960-1961, địch tung ra nhiều mũi giáp công đánh vào vùng “đất thánh” Chiến khu Đ và các vùng lân cận nhằm mục đích bẻ gãy lưng sống kháng chiến Nam bộ. Năm 1961, lực lượng chiến đấu tỉnh Thủ Dầu Một bắt đầu rời Chiến khu Đ về đóng quân ở xã Chánh Phú Hòa để chuẩn bị cho những phương án tác chiến mới.

Từ những ngày đầu tiên, đội quân quyết tử dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Văn Hữu hành quân xuống tận Lái Thiêu phục kích đánh tiêu hao sinh lực địch. Trong chiến dịch đầu tiên, đơn vị Châu Thành đánh úp một xe quân sự chở binh lính và vũ khí của Mỹ - ngụy thu về 17 súng và nhiều quân trang. Tiếp sau trận đánh khiến quân địch kinh hoàng nói trên, ông Một Hữu và đồng đội tiếp tục lập chiến công lớn ở đồn Bến Củi, thu về 12 súng.

Năm 1964, ông Nguyễn Văn Hữu được tổ chức chuyển công tác về nhận nhiệm vụ Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), ông Hữu và nhiều cán bộ được cử đi học các khóa nghiệp vụ chính trị, quân sự. Trong đó, đáng nhớ nhất là khóa học nghiệp vụ Trung cấp quân sự kéo dài gần 3 tháng tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Tây Ninh) vào năm 1965.

Thời cơ tổng tiến công Mậu Thân ngày một đến gần, hầu hết những cán bộ kháng chiến chủ lực được giao nhiệm vụ mới. Tỉnh đội trưởng Nguyễn Văn Hữu lúc này được xứ ủy phân công về nhận nhiệm vụ Bí thư huyện Châu Thành (mũi đất chiến đấu ở tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ).

Những năm kháng chiến cứ thế trôi qua, những người lính trẻ năm xưa cũng trở nên cứng cáp hơn. Cuối năm 1972, đầu 1973, đế quốc Mỹ điên cuồng mang bom dội vào Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Thời gian này, Ủy ban kháng chiến Nam bộ chỉ thị toàn bộ quân dân mặt trận miền Nam tập trung lực lượng đánh phá, quấy rối địch. Những chỉ thị này được nhận định là làm giảm sự tập trung của kẻ địch ở miền Bắc.

“Trong lúc giặc mang bom dội lên thủ đô và một số tỉnh lân cận, những cuộc phục kích, quấy rối địch đã được quân dân miền Nam thực hiện trong nhiều ngày. Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là niềm tự hào của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc”, khuôn mặt vị lão thành cách mạng đất Thủ rạng ngời.

Chiến thắng rầm vang trên bầu trời Hà Nội sau đó đã trở thành liều thuốc tinh thần cho những tháng ngày kháng chiến sau đó của quân dân miền Nam nói chung và đất Thủ nói riêng. Cay đắng với thất bại trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ra Bắc, Mỹ - ngụy tập trung tổng lực đánh vào mặt trận miền Đông, trong đó chủ đích là tỉnh Thủ Dầu Một.

Nhớ lại những ngày kháng chiến “một mất một còn”, đôi mắt ông Nguyễn Văn Hữu không khỏi ươn ướt: “Thời điểm cao nhất, toàn tỉnh Thủ Dầu Một có đến 4.000 chiến sĩ, nhưng ngày kết thúc chiến tranh, con số này chỉ còn 72 người”. Thế hệ chúng tôi có lẽ không đủ sâu sắc để hiểu hết những mất mát mà cha anh đã trải qua, chỉ biết, để có được những ngày tháng yên bình như hôm nay, những người con đất Thủ ngày đó đã chiến đấu rất kiên cường.

Nhìn về phía xa xăm của bầu trời Tân Uyên, ông Hữu trăn trở về chuyện tìm kiếm hài cốt đồng đội. Tuổi trẻ của ông gắn liền với chiến tranh, về già, cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Giờ đây, thời gian là quý hiếm: “Anh em mỗi người “nằm” một nơi, chỉ sợ thời gian của tôi không còn đủ để đưa họ về đoàn tụ như ngày còn chiến đấu”.

Kết thúc hai cuộc chiến chống Pháp, Mỹ, ông Một Hữu bắt tay ngay vào hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Tính đến năm 2012, ông đã cùng đồng đội tìm kiếm được hơn 500 bộ hài cốt của những người ngã xuống trên chiến trường miền Đông năm xưa. Cuộc hành trình gian truân của ông lắm lúc tưởng chừng phải dừng lại vì sức khỏe không cho phép, thế nhưng “nghỉ mệt” được năm ba ngày người lính già lại “cưỡi” chiếc xe máy cũ lên đường đi tìm hài cốt đồng đội.

ĐÌNH THẮNG (ghi theo lời kể của ông Một Hữu)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên