Người Việt và hàng Việt - 5 năm nhìn lại: Băn khoăn với những rào cản!

Cập nhật: 22-05-2014 | 00:00:00

Kỳ 2: Băn khoăn với những rào cản!

Kỳ 1: Sức lan tỏa sâu rộng

Tuy các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn thị trường và quản lý thị trường đã đạt những thành công trong việc xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt, cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Nhưng trên thực tế, các chương trình vẫn còn nhiều rào cản mà hàng Việt phải vượt qua bằng giải pháp quyết liệt .

 

Cần tuyên truyền sâu rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối để hàng Việt đứng vững trên thị trường nội địa. Trong ảnh: NTD ở Phước Hòa (Phú Giáo) chọn mua hàng Việt tại phiên chợ vui vừa tổ chức

Lo lắng về giá và chất lượng

Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn từ 5 năm nay trở thành niềm mong đợi của bà con vùng sâu, vùng xa. Các phiên chợ với hàng chục doanh nghiệp (DN) đưa hàng Việt về nông thôn bán hàng giá rẻ, khuyến mãi hấp dẫn cùng với việc tổ chức sân khấu ca nhạc do những ca sĩ tên tuổi biểu diễn đã thực sự thu hút bà con. Đặc biệt, các hộ nghèo, học sinh vượt khó, học giỏi còn được nhận quà của các DN bán hàng tại phiên chợ. Sau phiên chợ, vài siêu thị, DN còn về bán hàng lưu động với chủ trương bình ổn giá đã thu hút được NTD.

Anh Nguyễn Thanh Long (Minh Hòa, Dầu Tiếng), cho biết, qua so sánh giá tất cả các mặt hàng tại phiên chợ, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều có giá rẻ hơn thị trường. Song từ các phiên chợ và các đợt bán hàng lưu động cũng gợn lên nhiều nỗi buồn. Anh Long cho biết thêm, có những DN bán hàng không rẻ, chất lượng cũng không bảo đảm. Chị Minh, một khách hàng tại Minh Hòa cho biết: ”Có lần tôi mua hàng của siêu thị B. giá trị khoảng 7 triệu đồng gồm nhiều sản phẩm. Nhưng khi về sử dụng tôi thấy vài sản phẩm nhãn hàng riêng của B. có chất lượng kém, cụ thể như nước xả vải không thơm. Nên đợt B. về Minh Hòa vào trung tuần tháng 3-2014 vừa rồi, tôi không đến mua hàng của siêu thị này nữa”!

Tư tưởng sính hàng ngoại vẫn tồn tại

* Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG:

Các ngành, các cấp tiếp tục đồng hành cùng DN

Các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch của tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 01/ NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tập trung thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh thúc đẩy phát triển SXKD.

* Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh NGUYỄN TẤN LỘC:

Tích cực thực hiện giải pháp tuyên truyền

Trong thời gian tới, BCĐ CVĐ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc 4 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện CVĐ theo tinh thần thông báo Kết luận số 264/TB-TW của Bộ Chính trị đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh. Tuyên truyền sâu rộng để NTD trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng SXKD của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Vận động NTD Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, nhờ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 2-1-2014, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và giúp các DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tình hình kinh tế Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I-2014 của Bình Dương ước thực hiện 44.623 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nhìn chung các DN đã tái cấu trúc, vượt qua khó khăn. Song thực tế sức mua giảm, DN lại phải đối phó với nạn hàng ngoại nhập lậu, hàng giả đang lũng đoạn thị trường.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (SBM), Chủ tịch Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương cho biết, từ khi triển khai cuộc vận động (CVĐ) Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã hỗ trợ DN Việt rất nhiều. Địa phương Bình Dương cũng đồng hành hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Cùng với sự nỗ lực của chính bản thân DN, từ năm 2013 đến nay, các DN thuộc Hiệp hội Cơ - Điện hầu hết có doanh thu tăng so với năm 2012 từ 10 - 40%. Đặc biệt có DN tăng tới 40% về doanh thu. Riêng SBM doanh thu tăng 20% so với năm 2012, nộp ngân sách 10,5 tỷ đồng (tăng 55% so với năm 2012). Tuy vậy, tư tưởng sính ngoại vẫn còn nhiều, nhất là trong đầu tư công. Thông báo ngay từ khi bắt đầu thực hiện CVĐ là sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lãng phí, sử dụng hàng ngoại nhập trong đầu tư công đối với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được. Nhưng 5 năm qua, chưa thấy có vụ nào được xử lý nghiêm. Tư tưởng sính ngoại vẫn còn phổ biến!

Cần sự đồng hành của NTD

Bên cạnh Hiệp hội Cơ - Điện, các hiệp hội ngành hàng dệt may, da giày, gỗ, gốm sứ... tại các cuộc gặp mặt, đối thoại do UBND tỉnh tổ chức, các DN đều đồng loạt kiến nghị cần sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn, quyết liệt của Nhà nước, các ngành chức năng. Sự hỗ trợ thiết thực đó sẽ giúp DN vượt khó vươn lên, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Rõ ràng, qua 5 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng đã “vào cuộc” đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn thị trường, chống hàng gian, hàng giả. Song, các chương trình vẫn còn nhiều rào cản, nhiều “hạt sạn”. Nhiều nhãn hàng bị tẩy chay do chất lượng chưa cao, giá chưa rẻ. Công tác quản lý thị trường chưa chặt, tạo cơ hội cho hàng ngoại nhập lậu hoành hành...

Nhìn chung, CVĐ đã đạt nhiều thành quả, song chưa tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn dân. Để CVĐ đạt hiệu quả cao đúng như mong đợi, DN cần tăng cường đầu

 tư, tăng năng lực cạnh tranh, giành lại thị trường ngay tại nội địa. Đó là bước chuẩn bị cần thiết trước khi hội nhập hoàn toàn trong một vài năm nữa khi ”cuộc chiến” với hàng ngoại sẽ còn khó khăn hơn. Và nhân tố quyết định sự sống còn của hàng Việt, DN Việt trong giai đoạn ”nước sôi lửa bỏng” này chính là NTD. Hơn bao giờ hết NTD hãy ”thông minh và chung thủy” hơn với hàng Việt, sát cánh mạnh mẽ hơn cùng DN Việt.

 

Sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm công

Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các DN, người SXKD trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để SXKD. Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế trong nước không trái với các quy định của WTO, khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu.

(Thông báo số 264-TB/TW của Bộ Chính trị ngày 31-7-2009)

 

 BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=362
Quay lên trên