Nguy cơ tại các hầm đất: Mối đe dọa... chực chờ!

Cập nhật: 29-08-2013 | 00:00:00

Các trường hợp bị “đuối nước” tử vong tại một số hầm đất trên địa bàn tỉnh đã để lại nhiều mất mát cho gia đình nạn nhân; song điều mà người dân bức xúc nhất đó là không ít hầm đất khác tại một số nơi vẫn không có rào chắn và biển cảnh báo. Đây là mối nguy cho trẻ em vùng nông thôn; bởi một khi thiếu trang bị kỹ năng bơi lội rất dễ bị “đuối nước” khi tắm tại những nơi này!

Mặc dù đã có một trường hợp “chết đuối” tại hầm đất ở ấp Ông Đông, xã Tân Hiệp, Tân Uyên nhưng chủ đất vẫn không lập rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm

Trường hợp 2 anh em B.T.T., 16 tuổi và B.H.K., 14 tuổi, ngụ phường Phú Hòa, TP.TDM bị đuối nước dẫn đến tử vong tại hầm đất ở khu phố 5, phường Phú Hòa, TP.TDM xảy ra cách nay gần 1 tháng nhưng nỗi đau vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí của đôi vợ chồng trẻ B.V.T. và P.T.T.; bởi cùng một lúc mà họ đã vĩnh viễn mất đi 2 đứa con thân yêu của mình. Sự kiện đau lòng này những tưởng sẽ gióng lên “hồi chuông” cảnh báo cho nhiều địa phương khác trong việc khẩn trương thiết lập các biện pháp bảo đảm an toàn tại các hầm khai thác đất; nhưng xem ra tình trạng mất an toàn này vẫn luôn de dọa trẻ vùng quê.

Theo ghi nhận của P.V, trong số các địa phương có nhiều hầm khai thác đất đã tạo thành những hồ nước sâu thì phải kể đến xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên; chỉ riêng tại địa bàn 2 ấp Ông Đông và Bà Tri của xã Tân Hiệp cũng có đến hàng chục hầm nước sâu thăm thẳm. Theo người dân địa phương, đây là hậu quả của việc khai thác khoáng sản đất sỏi đỏ, đất cao lanh tràn lan tại nơi này trong suốt thời gian dài; trong đó không ít hầm đất khai thác trái phép. Có mặt tại khu vực ấp Ông Đông vào những ngày cuối tuần, P.V không khỏi giật mình khi thấy nhiều em nhỏ từ 6 - 14 tuổi sinh sống quanh khu vực này rủ nhau ra nô đùa, tắm tại những hồ nước mà trước đây là những hầm khai thác đất cao lanh. Điều đáng lưu ý là không ít hồ nước sâu và rộng hàng chục ngàn mét vuông nhưng không hề được chủ đất cho lập rào chắn và biển cảnh báo nguy hiểm sau khi khai thác; vì vậy hồ nước tại tổ 4, ấp Ông Đông vào năm trước cũng đã có trường hợp bị chết đuối khi xuống tắm.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, Tân Uyên Võ Thái Cường: Sẽ cho rà soát các hầm đất để bắt buộc lập biển cảnh báo, rào chắn

Trên địa bàn xã Tân Hiệp không còn tình trạng khai thác đất trái phép, chỉ còn 2 đơn vị có giấy phép đang hoạt động. Để làm tốt việc này, hiện địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát theo chỉ đạo của UBND huyện để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Mặt khác, tại các hầm đất ngưng khai thác thì chúng tôi cũng đã yêu cầu lắp đặt rào chắn và biển cảnh báo nguy hiểm nhưng do diện tích hầm đất khá rộng nên cũng có trường hợp chưa chấp hành tốt. Tới đây, UBND xã sẽ tiến hành rà soát tất cả các hầm đất trên địa bàn và yêu cầu phải cắm biển cảnh báo, lập rào chắn để tránh trường hợp trẻ đến tắm dẫn đến nguy cơ bị đuối nước…

Với nét mặt trầm ngâm đầy lo lắng, anh L.V.L., một người dân ở địa phương chia sẻ: “Len lỏi khắp xóm này hiện có nhiều hồ nước rộng mà trước đây là những thửa ruộng màu mỡ; thậm chí là những khu đất bằng phẳng nhưng chủ đất đã cho khai thác đất sỏi đỏ và cao lanh tràn lan. Hiện những thửa đất sau khai thác đã trở thành vùng “đất chết”, với những hố sâu hun hút và nhiều nơi bị nước nhấn chìm, trở thành những hồ lớn hàng ngàn mét vuông. Đây là mối nguy cho trẻ nhỏ, vì chúng rất dễ bị đuối nước khi tìm đến nô đùa và xuống tắm tại các hồ quanh khu vực…”.

Trong khi nhiều địa phương đang “loay hoay” đối phó trước thực trạng hàng loạt hầm khai thác đất nay đã “biến” thành hồ, gây nhiều hệ lụy cho người dân, nhất là trẻ em trong vùng tìm đến chơi đùa; thì hiện nay ở địa bàn xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tình trạng người dân khai thác đất sỏi đỏ, cao lanh vẫn còn diễn ra. Địa điểm khai thác tập trung nhiều ở ấp Phú Nghị và ấp Phú Hòa, chủ yếu là ở những vùng đất tiếp giáp với ruộng lúa trước đây. Tại một số khu đất ở ấp Phú Nghị, có chủ đất còn cho khai thác với độ sâu hơn 5m nên nước bị ứ đọng, tạo thành những hồ nước sâu; vào những buổi trưa nắng nóng trẻ em thường đến tắm rất nguy hiểm. Bày tỏ nỗi bức xúc với P.V, anh N.T. cho biết: “Do thiếu sân chơi nên thời gian qua, nhiều nhóm học sinh trên địa bàn thường kéo đến vui chơi và tắm tại những hồ nước ở ấp Phú Nghị và đã có một học sinh lớp 6 bị đuối nước tử vong tại một hầm khai thác đất cao lanh…”.

Rõ ràng các trường hợp trẻ bị đuối nước gây tử vong oan ức tại các hầm khai thác khoáng sản trong thời gian qua cho thấy, phần trách nhiệm không chỉ riêng phía gia đình nạn nhân, mà còn do các chủ đất không chấp hành tốt các biện pháp an toàn sau khai thác, đó là phải cắm biển báo và lập rào chắn. Để không còn xảy ra những trường hợp trẻ bị chết đuối một cách oan uổng tại các hồ nước, thiết nghĩ chính quyền địa phương nơi có hầm khai thác khoáng sản phải khẩn trương vào cuộc giám sát và bắt buộc các chủ hầm đất phải kéo rào chắn và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

 KHÚC NGỌC - HOÀNG HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=461
Quay lên trên