Nỗi niềm” điện mặt trời

Cập nhật: 12-01-2024 | 08:20:03

 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới có thông báo về giá mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà năm 2024. Theo đó, căn cứ tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, EVN thông báo giá mua điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà năm 2024 như sau:

Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1-6-2017 đến ngày 30-6-2019, giá mua điện trong năm 2024 là 2.231 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScents/kWh. Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thời điểm đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến ngày 31-12- 2020, giá mua điện trong năm 2024 là 1.999 đồng/kWh, tương đương 8,38 UScents/kWh. Giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. So sánh với giá mua năm 2023, tỷ giá đồng USD giữ nguyên. Tuy nhiên, so với đồng Việt Nam, mức giá năm 2024 cao hơn do chênh lệch giá trị. Đây là một tin vui song cũng là “nỗi niềm” của những dự án điện mặt trời còn vướng mắc thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh đã nhận được kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh. Trong đơn, các doanh nghiệp điện mặt trời cho biết họ đầu tư theo Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Các nhà đầu tư đã hoàn tất đầu tư trước 31- 12-2020 theo thời hạn quy định và đã ký hợp đồng mua bán điện với các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trục trặc phát sinh khi hợp đồng mua bán điện đang diễn ra thì ngành điện yêu cầu các nhà đầu tư phải bổ sung hồ sơ phòng cháy chữa cháy và giấy phép xây dựng của hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Sở Xây dựng cho biết vướng mắc hiện nay do các công trình điện mặt trời mái nhà đã được triển khai, đưa vào sử dụng. Quy định pháp luật không thể cấp phép cho công trình hiện hữu, mà muốn cấp phép thì phải xử phạt, tháo dỡ và làm thủ tục lại từ đầu. Những vướng mắc này vượt quá thẩm quyền quyết định của địa phương. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời do Giám đốc Sở Công thương làm tổ trưởng, với sự tham gia của các sở ngành và Công ty Điện lực tỉnh. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng đã tiếp xúc, lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư để kiến nghị cơ quan Trung ương hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Được biết, các dự án điện mặt trời mái nhà tại Bình Dương có công suất khoảng 800MW, chi phí đầu tư lên tới khoảng 12.000 tỷ đồng.

 KHẢI ANH  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=398
Quay lên trên