Nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Hữu Hà: Làm giàu từ đôi bàn tay trắng

Cập nhật: 22-09-2011 | 00:00:00

Không nề hà bất cứ việc gì miễn là làm ra đồng tiền bằng mồ hôi lao động của mình, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Hà từ hai bàn tay trắng vào Nam lập nghiệp giờ đây, không chỉ tạo dựng được cuộc sống ổn định mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Mồ côi mẹ năm 11 tuổi. Năm 24 tuổi, không chịu nổi cảnh nghèo ở một làng quê Thanh Hóa, anh đã quyết định vào Nam lập nghiệp. Đến Bình Dương, việc đầu tiên sống còn của anh là tìm cho được một việc làm. Đây cũng là giai đoạn khó khăn mà anh phải vật lộn đủ thứ nghề nào là lơ xe, làm gốm… Để có tiền ăn và trả tiền nhà trọ, c lúc anh đi làm xa 12 cây số bằng xe đạp. Nhờ có sức khỏe, chịu khó lại hiền lành, anh được mọi người thương mến giúp đỡ.

 

Năm 2009, khi dành dụm được số tiền nho nhỏ, vợ chồng anh quyết định đến tận ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) mua miếng đất giá rẻ. Có đất rồi, anh dựng một căn nhà tạm, bắt đầu học cạo mủ cao su, làm cỏ thuê, nhặt củi. Anh làm suốt ngày, hết việc này sang việc khác trong điều kiện sống hết sức khó khăn. Cái khó ló cái khôn. Anh bắt đầu mày mò sửa máy phát điện bơm nước. Thấy vậy, bà con xung quanh có máy gì hư đều đem đến anh sửa dùm.

Là hộ nghèo trong xã, vợ chồng anh được vay vốn xóa đói giảm nghèo. Trước đây, anh đã từng bấp bênh với bao mùa điều, nhãn. Đến năm 2005, với hơn 1,5 ha đất, anh quyết định chuyển sang trồng cây cao su. Và đến năm 2010, cao su bắt đầu cho thu hoạch, lúc này, gia đình anh mới có được thu nhập ổn định. Có tiền, anh tiếp tục nuôi heo, gà vịt và bồ câu Pháp. Với 30 cặp bồ câu Pháp giống cùng tài liệu hướng dẫn của trường Đại học Nông lâm TP.HCM, 5 tháng sau, anh đã cho xuất lứa đầu tiên (10 cặp), giá bán 300.000 đồng/cặp.

Để tăng thêm thu nhập từ nuôi bồ câu và nhân rộng giống, bạn bè đã giúp anh mở một trang web chuyên cung cấp bồ câu trên mạng. Từ đó, có nhiều người ở các tỉnh xa đến tận nhà anh để mua bồ câu. Với suy nghĩ độc lập, anh không chỉ phụ thuộc vào tài liệu mà còn tự tìm cách pha chế thức ăn bằng cách trộn 50% cám công nghiệp còn lại 50% là lúa, bắp xay. Theo anh, trộn thức ăn kiểu này tiết kiệm được chi phí lại ít sinh bệnh.

Anh cho biết, nuôi bồ câu Pháp không khó, cơ bản phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Giống bồ câu của anh nuôi từ 5- 6 tháng bắt đầu sinh sản, sau đó đẻ 2 trứng/lần/tháng, 16 ngày sau trứng nở và 18 ngày sau nữa là xuất chuồng. Từ 30 cặp bồ câu giống ban đầu, đến nay anh Hà đã có đàn bồ câu lên đến 300 cặp, có tháng anh xuất bán được 60 cặp (18 triệu đồng). Giờ đây, với vườn cây cao su đang cho thu hoạch cùng đàn bồ câu, gà vịt, hàng tháng anh thu nhập được khoảng 200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đến căn nhà anh mới xây ngoài mặt tiền, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của anh. Anh tâm sự: “Bây giờ, gia đình mình đã xóa tên trong danh sách hộ nghèo của xã.

Ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm sau cơn mưa chiều để lại trong lòng những người khách lạ như chúng tôi biết bao cảm xúc. Hình ảnh căn nhà đầy đủ tiện nghi ở mặt tiền và con đường ngoằn ngoèo hơn 10 cây số trong những lô cao su đã để lại ấn tượng rất rõ về một người thanh niên đầy nghị lực, anh không có bí quyết gì nhiều mà chỉ bằng đôi bàn tay lao động. “Tích tiểu thành đại” dự định phát triển chuồng trại chăn nuôi heo, gà, chim bồ câu Pháp của anh Hà sẽ qui mô hơn và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên