Sắp trình đề án tăng giá vé máy bay

Cập nhật: 22-09-2011 | 00:00:00

Ngày 21-9, Cục Phó Hàng không Việt Nam Lưu Thanh Bình cho biết, cuối tháng này, các hãng hàng không sẽ nộp đề án (tính toán chi phí), sau đó Cục Hàng không Việt Nam thẩm định về các phương án tăng giá vé máy bay.

Ông Bình cũng cho biết, nội dung cuộc họp giữa Cục Hàng không Việt Nam với 4 hãng hàng không diễn ra sáng 21-9, chủ yếu là định hướng thống nhất triển khai đề án tăng giá vé máy bay (để làm cơ sở nâng mức giá trần).

 Giá vé máy bay chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.

Chiều cùng ngày, Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific (JP) Tạ Hữu Thanh cũng cho biết, hãng đang đánh giá tình hình cụ thể, sau đó xây dựng phương án giá để trình lên Cục Hàng không Việt Nam. Hiện JP đang có 12 mức giá vé, chi phí đầu vào khoảng 80%. “Nhiên liệu tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng, phí thuê phi công cao chót vót khiến kinh doanh hàng không khó khăn”, ông Thanh nói. Đại diện Air Mekong cho biết, đang tính toán giá vé, nhưng cơ bản sẽ theo bằng mức “các ông anh” Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.

Dự kiến, trong tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để bắt đầu từ tháng 11 có thể áp dụng giá vé máy bay mới (có thể tăng lên 1,5 lần, riêng giá vé Hà Nội đi TP.HCM được cho là sẽ tăng lên 5 triệu đồng mỗi chiều…). Việc tăng mức giá này thực chất là nâng mức giá trần hiện nay cao hơn sau khi một số doanh nghiệp vận tải hàng không kiến nghị tháo gỡ khó khăn vì đang bị đội chi phí do giá xăng dầu, tỷ giá tăng cao.

Trong một cuộc họp gần đây, Thứ trưởng GTVT kiêm Cục trưởng Hàng không Việt Nam Phạm Quý Tiêu cho biết, đang yêu cầu các hãng hàng không báo cáo giá thành thực tế, xây dựng phương án giá, đề xuất cơ quan chức năng nới trần giá vé máy bay. Thứ trưởng Tiêu cho hay: “Hiện mới đang xây dựng để nới mức giá trần giúp cho các hãng hàng không chủ động trong kinh doanh. Tuy nhiên, dù có nâng mức giá trần cũng không có nghĩa các hãng sẽ tăng giá vé lên 100%, thậm chí còn hạ giá. Chuyện giá vé Hà Nội – TP.HCM sẽ tăng lên 5 triệu đồng mỗi chiều khi nâng mức giá trần là khó xảy ra. Thực ra, bây giờ mới đang xây dựng, cơ quan chức năng còn thẩm định nữa. Sau này sẽ có công bố chính thức”.

Trong khi đó, một lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) cho biết: “Câu chuyện ở đây không phải là so sánh với giá vé trong khu vực, mà với mức giá trần hiện tại, bay nội địa thu không đủ bù chi. Làm sao để lợi ích của doanh nghiệp hài hòa với nhu cầu của khách hàng là tốt nhất. Trong thực tế, trên thế giới hầu hết các nước không áp dụng mức giá trần trong kinh doanh hàng không nữa. Ở điều kiện Việt Nam, việc nới giá trần để doanh nghiệp dễ dàng xây dựng giải giá vé, linh hoạt giá vé. Ví dụ mức trần giá vé càng cao thì càng có nhiều mức giá vé khác nhau. Có mức giá cho người mua vé sớm, mua muộn, bay đêm khác bay ngày… Ngược lại, mức giá trần càng thấp thì sẽ không có nhiều mức giá vé”.

Trong cuộc họp gần đây với Bộ trưởng GTVT, Tổng Giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh cũng khẳng định, nếu được phê duyệt mức giá trần mới, mức giá tăng bình quân chỉ khoảng 15% do hãng áp dụng giải giá rất rộng và có nhiều vé giá rẻ, khuyến mãi. Theo đó, số lượng vé chạm trần so với tổng số vé hãng bán ra rất nhỏ.

Theo Đất Việt

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên