Nữ nhà giáo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cập nhật: 08-03-2013 | 00:00:00

 Để phát huy vai trò của phụ nữ (PN) trong cuộc sống hiện đại, công đoàn ngành giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị tuyên tuyền, giáo dục phẩm chất đạo đức PN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tiêu chí: có lòng yêu nước, có sức khỏe; có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa; có lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức. Thấy được vai trò, trách nhiệm ấy, các công đoàn cơ sở vận động chị em thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Đảng và của ngành. Cô Nguyễn Thị Diên, trường THPT Võ Minh Đức (TP.TDM) suy nghĩ, PN ngày nay cần năng động và sáng tạo mới có thể lập nên những kỳ tích vẻ vang đem lại niềm tự hào vinh dự cho bản thân, gia đình và xã hội. Người PN Việt Nam hiện đại cần phải phát huy tốt hai đức tính này và chính sự hài hòa giữa việc nước và việc nhà, người PN sẽ tạo nên sự cân bằng trong hạnh phúc gia đình, biết kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại để tạo ra một con người vừa năng động vừa sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của con người. Cô Trần Thị Ngọc Quý, trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo) thì thể hiện quan điểm: PN ngày nay ngoài những phẩm chất đạo đức truyền thống của dân tộc còn cần phải có sức khỏe, tri thức và kỹ năng nghề nghiệp. Người PN có sức khỏe tốt sẽ có điều kiện và khả năng tập trung cao độ về sức lực, trí tuệ để đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong công việc. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, mỗi chị em PN phải không ngừng phấn đấu học hỏi, nâng cao kiến thức để hoàn thiện mình, biết cách khắc phục khó khăn để vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.

Ông NGUYỄN VĂN KIM, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh:

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nữ cán bộ- giáo viên - nhân viên ngành phấn đấu thực hiện tốt chuẩn mực của người PN Việt Nam, bản thân các chị không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn vận dụng kiến thức mới, phương pháp mới trong công tác, tích cực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Cô VÕ THỊ THU THẢO, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo:

Nữ nhà giáo huyện nhà xác định việc xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ là trách nhiệm của người PN. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vai trò đó lại cần được phát huy rõ nét hơn và đòi hỏi người PN phải biết khéo léo sắp xếp việc gia đình và ngoài xã hội để có được một gia đình thật sự là tổ ấm.

Ông DƯƠNG VĂN BỐN, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một:

Các phẩm chất mà PN Việt Nam cần đạt được hiện nay cũng chính là các phẩm chất không thể thiếu của cán bộ giáo viên nữ ngành giáo dục. Lòng nhân hậu của các cô giáo có vị trí quan trọng trong việc giáo dục học sinh, gắn kết tình đồng nghiệp và xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, tạo được phong cách sư phạm chuẩn mực, rộng lượng, bao dung, vì học sinh thân yêu. Có lòng nhân hậu mới tận tâm, tận tụy, tận lực, tâm huyết với nghề; mới có những biện pháp giáo dục học sinh tích cực và hiệu quả.

Với đặc điểm riêng của ngành, việc tuyên truyền, giáo dục chị em về phẩm chất, đạo đức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với 2 cuộc vận động lớn của ngành là “hai không” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được cụ thể hóa qua phong trào “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Để đáp ứng được trình độ ngày càng cao theo hướng hiện đại, các nữ nhà giáo đã có ý thức trách nhiệm vươn lên về trình độ, phẩm chất trí tuệ. Chỉ có trí tuệ cao, các thầy cô mới ứng dụng vào thực tế và có sự sáng tạo trong giảng dạy. Ý thức việc học tập là suốt đời, làm thầy càng phải học, dù bận rộn việc trường, việc nhà các nữ nhà giáo vẫn thu xếp để theo học các lớp nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ tính trong năm 2012 có gần 62% nữ nhà giáo tham gia các khóa bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước.

Nghề dạy học đòi hỏi phải có sự đam mê, sáng tạo. Thời gian qua, các nữ nhà giáo đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, tích cực đổi mới phương pháp dạy, sử dụng đồ dùng dạy học trực quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Những cố gắng của các cô đã góp công vào việc nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Cô Nguyễn Thị Ngọc, trường THCS Võ Trường Toản (TX.Dĩ An) là một minh chứng cho nữ nhà giáo có tâm, yêu nghề. Với chuyên môn là dạy văn, cô luôn ý thức phải mang lại những bài học sinh động nhất cho lớp học. Học sinh trường rất thích được cô giảng dạy, bởi ngoài những lời truyền đạt đầy cảm xúc, cô còn chịu khó sưu tầm những câu chuyện thực tế với các nguồn tư liệu phong phú, quý giá để dẫn chứng cho bài học của mình. Cô cũng là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cho nhà trường trong suốt những năm qua. Cô Nguyễn Kim Cúc, trường Tiểu học Nguyễn Du (TP.Thủ Dầu Một) cũng là một trong số những giáo viên trẻ, tiêu biểu của ngành giáo dục. Cô từng tâm sự, người thầy phải thương yêu, dạy dỗ học sinh như con em của mình. Trong lớp học, trình độ, tâm lý của học sinh có khác nhau, đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên quan tâm, theo dõi, phân loại học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nữ nhà giáo tỉnh nhà luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có nhiều sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy. Các chị em rất xứng đáng được xã hội tôn vinh, nhất là trong dịp 8-3 năm nay.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1053
Quay lên trên
X