Các nhà khoa học cho đây là loài mới, được ghi nhận trong đợt khảo sát đa dạng sinh học (ĐDSH) tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB).
Kết quả này được công bố trong Hội thảo quốc tế “ĐDSH và phát triển” do Bộ TN-MT, GTZ phối hợp tổ chức với sự tham dự của đại diện hơn 30 tổ chức bảo tồn và 20 quốc gia trên thế giới.
Theo TS. Phạm Đình Sắc - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, trong đợt khảo sát sơ bộ hệ động vật tại PN-KB, đoàn khảo sát đã thu được 148 cá thể động vật không xương sống, thuộc 41 loài.
Trong đó, đáng chú ý là phát hiện một loài bọ cạp thuộc họ bọ cạp mù tại động Tiên Sơn. Theo TS. Sắc, loài bọ cạp này lần đầu tiên được ghi nhận tại châu Á, và là một trong 20 loài thuộc họ này trên toàn thế giới.
Theo các nhà khoa học, trong các hang động ở rặng núi đá vôi Kẻ Bàng có nhiều loài sinh vật sống trong môi trường yếm sáng, có cơ thể trong suốt và không có mắt. Ngoài ra, có một số loài chim sống trong hang động ở đây định vị phương hướng bằng tiếng vang và săn mồi nhờ vào thính giác nhạy bén.
Theo ước tính, có hơn 100 loài đặc hữu sống trong hang động chưa được khoa học biết đến.
Cũng theo kết quả khảo sát, có nhiều loài chỉ được phát hiện ở hang tối (không có ánh sáng nhân tạo, không khai thác du lịch) mà không phát hiện ở động Tiên Sơn, hang Phong Nha. Có một số loài được phát hiện ở Tiên Sơn, Phong Nha nhưng lại là loài phổ biến ở nơi khác.
Từ đó, đoàn kết luận rằng ánh sáng điện và các thùng rác chứa thức ăn đã tạo điều kiện cho các loài ngoại lai xâm nhập. Đoàn đã đưa ra nhiều đề xuất để duy trì ĐDSH trong hệ thống hang động như làm sạch nền hang, làm lối đi trong động, dọn rác thải, cấm ăn uống, hút thuốc lá, giảm thiểu tiếng ồn trong hang động…
(THEO DÂN TRÍ)