Phát triển doanh nghiệp nông thôn: Rất cần những giải pháp khả thi

Cập nhật: 06-04-2012 | 00:00:00

Các doanh nghiệp nông thôn (DNNT) ở Bình Dương đang khởi sắc nhờ hàng loạt chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, đầu tư trang thiết bị, xúc tiến thương mại... do các ngành chức năng triển khai suốt 5 năm qua (2007-2012), theo Quyết định 136 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) truyền thống được duy trì và phát triển, nhiều nghề mới được hình thành và nhân rộng. Từ đó, các mô hình kinh doanh hộ gia đình đang được phát triển thành doanh nghiệp, hợp tác xã... nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn... 

Các DNNT góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từ đó đưa kinh tế nông thôn phát triển lên tầm cao mới. Trong ảnh: Hoạt động mua bán, cung ứng sắt thép phục vụ xây dựng của một DNNT

Thực trạng vẫn còn nhỏ lẻ!

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành CN, các cơ sở DNNT đã có nhiều thay đổi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm khoảng 96,3% tổng số DN đăng ký thành lập, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống và hàng ngàn DNNT. Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhưng lực lượng DNNT giữ vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của nông thôn Bình Dương.

Để đẩy nhanh quá trình phát triển các DNNT, ông Lê Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Dương, cho biết: “Trung tâm Khuyến công thường xuyên phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công của Nhà nước và thủ tục lập đề án cho các đối tượng là cơ sở DNNT nhằm thông tin và tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp cận với chính sách của Nhà nước rộng rãi hơn”. Cùng với những hoạt động của Trung tâm Khuyến công, trước đó UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương với 7 tiểu chương trình và tổng kinh phí thực hiện trên 11,3 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; hỗ trợ DNNT đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV ở nông thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh...

Theo đó, một số ngành nghề được ưu tiên, hỗ trợ phát triển là chế biến nông, lâm, thủy sản; CN cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, CN hàng tiêu dùng và TTCN, phát triển các sản phẩm có thị trường, có thể tạo việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho địa phương. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành công thương xây dựng, triển khai các chương trình, chế độ chính sách đến đối tượng khuyến công một cách có hiệu quả, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ các DNNT xây dựng thương hiệu, trang thiết bị, đào tạo lao động... hướng đến các chương trình về sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển DNNT, nhưng khi đánh giá về quy mô của DNNT hiện nay, ông Lê Văn Chí vẫn nhận định: “Các DNNT đều có quy mô nhỏ, cấp gia đình và làm theo đơn hàng, chưa tự thiết kế mẫu mã hay tạo ra sản phẩm đặc trưng, nguồn vốn nhỏ nên chưa đủ sức ký kết những đơn hàng lớn. Trình độ kỹ thuật của DNNT còn thấp cả về sản phẩm, thiết bị, lẫn công nghệ. Các DNNT phát triển không đồng đều”!

Giải pháp nào khả thi?

Bức tranh chung của DNNT đang có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, các DNNT và đại diện các làng nghề thì vẫn rất cần những giải pháp khả thi mới có thể đẩy mạnh phát triển DNNT và vực dậy các làng nghề. Trong đó, cần chú trọng vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp DNNT tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ vốn cho DNNT.

Đối với vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo ông Lê Văn Chí, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các DNNT về các chính sách khuyến công và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động. Cùng với đó, trung tâm sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng thống kê nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, định hướng đào tạo nghề theo yêu cầu của các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao và tổ chức các lớp đào tạo nghề nâng cao để bổ sung cho các cơ sở đang thiếu lao động. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến công tỉnh sẽ hỗ trợ DNNT tìm kiếm thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tham dự hội chợ triển lãm, quảng bá các sản phẩm trên website; tổ chức các hoạt động tham quan, học hỏi, khảo sát, nhằm tạo điều kiện cho DNNT liên kết, liên doanh, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Thiết nghĩ, những giải pháp hỗ trợ DNNT nói trên của Trung tâm Khuyến công tỉnh là cần nhưng chưa đủ. Cái thiếu trầm trọng nhất đối với hầu hết các DNNT hiện nay vẫn là nguồn vốn. Do vậy, để đẩy nhanh quá trình phát triển các DNNT và làng nghề, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ về vốn, chí ít là tạo điều kiện cho các DNNT được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để DNNT có thể trụ vững và từng bước vượt qua khó khăn, làm ăn có lãi nhằm bảo đảm việc làm cho lao động nông thôn.

Sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển DNNT ở Bình Dương cho thấy cái được của DNNT là vừa góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển lên tầm cao mới, vừa tạo ra tiền đề vật chất quan trọng để thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển DNNT, mắc xích quan trọng nhất theo các nhà quản lý vẫn là sự hỗ trợ về kinh phí với quy mô rộng hơn từ phía Nhà nước.

Các DNNT góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từ đó đưa kinh tế nông thôn phát triển lên tầm cao mới. Trong ảnh: Hoạt động mua bán, cung ứng sắt thép phục vụ xây dựng của một DNNT

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên