Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Cần sự chung tay...

Cập nhật: 05-06-2017 | 08:14:22

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em (TE) có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chiếm phần lớn là do sự bất cẩn của người lớn. Phòng tránh TNTT cho trẻ, cần nâng cao ý thức của các bậc cha mẹ, người chăm sóc, quản lý trẻ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, tập cho trẻ các kỹ năng giữ an toàn.

Việc trang bị cho TE các kỹ năng bơi lội là hết sức cần thiết trong dịp hè này. Trong ảnh: Dạy bơi miễn phí cho TE có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bắc Tân Uyên

Thương tích từ sự bất cẩn

Đến nay, người dân trên địa bàn phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm của em P.V.S. (11 tuổi) là học sinh lớp 5 của trường tiểu học trên địa bàn. Vụ việc xảy ra chỉ chưa đầy một tháng ngay trên sông Cầu Say (nhánh chảy ra sông Sài Gòn), đoạn thuộc địa bàn khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp. Theo các nhân chứng kể lại, trước đó, khoảng 15 giờ 30 phút, nhóm 5 em học sinh sau khi đi học thêm về rủ nhau ra bờ sông chơi, không may S. bị trượt chân xuống sông. Các em còn lại tìm cách cứu bạn không được nên chạy đi kêu cứu. Tuy nhiên, do các em quá hoảng sợ không báo người dân gần đó ngay mà chạy về nhà cách hiện trường khoảng 1km tìm người thân thì lúc này nạn nhân đã tử vong. Một dấu chấm hỏi đặt ra, nếu như S. biết bơi thì sẽ không có cái chết thương tâm này.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 trường hợp TE tử vong do TNTT, trong đó có 4 em tử vong do tai nạn giao thông, 10 em tử vong do đuối nước và 2 em tử vong do cháy nổ.

Đưa tay xoa vết sẹo dài trên trán cậu con trai hơn 2 tuổi, chị Mai Anh (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) kể, trong một lần đưa con đi ăn, do bất cẩn nên đã để con chơi một mình. Lúc đó, bé đang mải chơi thì bị một cái xích đu va đập vào mặt, may mắn là cháu chỉ phải khâu… 5 mũi. Tai nạn nhớ đời đó khiến chị Mai Anh ân hận rất nhiều, bởi nếu chị cẩn thận hơn thì con mình đâu đến nỗi.

TE thường hiếu động, tò mò, nhưng kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ gần như chưa được hình thành nên rất dễ bị TNTT. Đôi khi, chính căn nhà lại là một môi trường không an toàn cho trẻ vì cầu thang, ổ điện, các thiết bị nhà bếp, kể cả nhà tắm… đều có khả năng gây thương tích cho trẻ. Hoặc nhiều gia đình có sở thích nuôi chó, mèo, thế nhưng những động vật bé nhỏ này có nguy cơ gây thương tích rất cao cho trẻ. Dẫu biết rằng, không thể biết trước vấn đề tai nạn xảy ra cho TE nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể phòng, tránh TNTT. Với nhiều hình thức khác nhau nhằm góp phần hạn chế các TNTT, tuy nhiên việc trang bị cho các bé những kiến thức, các kỹ năng phòng tránh là phù hợp hơn cả. Các kỹ năng như bơi lội, tham gia giao thông một cách an toàn, các kỹ năng phòng tránh… cần được các trường học, phụ huynh lưu ý.  

Chủ động phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ TNTT

Bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc TE, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết để phòng chống TNTT, chống đuối nước cho TE, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Phòng Bảo vệ chăm sóc TE và Bình đẳng giới (phòng) thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Theo đó, phòng sẽ tổ chức tập huấn phòng, chống TNTT TE và hướng dẫn cộng tác viên đi kiểm định “Ngôi nhà an toàn phòng chống TNTT TE” cho cán bộ và cộng tác viên bảo vệ chăm sóc TE của 91 xã, phường thị trấn và ở các khu, ấp. Tập huấn nâng cao năng lực cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng chống TNTT TE… “Song song đó, trong năm 2017, phòng phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền phòng chống TNTT cho TE; đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ năm 2017; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho TE có hoàn cảnh khó khăn theo quy định nhằm tăng số trẻ biết bơi để phòng, chống đuối nước tại các huyện, thị, thành phố; tổ chức Hội thi “Bơi giỏi” cho TE có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh năm 2017”, bà Trúc cho biết thêm.

Những TNTT nặng xảy ra với trẻ có thể để lại nỗi ân hận đeo đẳng các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ nhưng nhận thức của một số phụ huynh với việc phòng, chống TNTT TE lại chưa cao, nhiều phụ huynh còn chủ quan trước vấn đề này. Để thực hiện hiệu quả, thiết thực chương trình phòng, chống TNTT ở TE, cần sự chung tay từ các cấp, các ngành, địa phương tích cực vào cuộc nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho TE, chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ TNTT cho trẻ tại gia đình, trường học và ngoài xã hội.

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên