Quản lý thuế thương mại điện tử: Còn lắm gian nan

Cập nhật: 29-10-2019 | 07:49:21

Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Sở Công thương, Bình Dương hiện đứng thứ 5 cả nước về TMĐT.

 Đại diện doanh nghiệp giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa)

Ngành thuế gặp khó

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) TMĐT lớn trên thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam, như Google, Facebook, Yahoo... Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải (Uber, Grab...), đặt phòng trực tuyến khách sạn (Agoda, Traveloka, Booking), các hoạt động kinh tế chia sẻ trên nền tảng số...

Giao dịch TMĐT bao gồm giao dịch giữa các DN, công ty với khách hàng (B2C), giữa DN với DN (B2B) thông qua mạng xã hội, trang mua sắm cá nhân, cửa hàng ứng dụng… Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, tại thị trường Bình Dương TMĐT tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, hoạt động TMĐT rất đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, có nhiều thay đổi, do đó đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước, trong đó có vấn đề quản lý thuế. Theo Cục Thuế tỉnh, thời gian qua, mặc dù ngành thuế đã rất nỗ lực để quản lý các tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT nhưng việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế với các giao dịch kinh doanh TMĐT hiện nay rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube…

Trong khi đó, giới chuyên gia trong ngành cho rằng hiện nay tỷ lệ hóa đơn giấy chiếm trên 90%, còn lại là hóa đơn điện tử. Điều đáng nói, hiện chưa có quy định bắt buộc DN chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế. Chính vì vậy, công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý kê khai. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ cũng là một thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý.

Chờ đợi chính sách vĩ mô

Đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết số DN và cá nhân hoạt động kinh doanh trên các trang mạng tăng mạnh. Để quản lý hiệu quả lĩnh vực này, Tổng cục Thuế đã đề xuất nhiều giải pháp, như sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về thuế nhằm bảo đảm bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh TMĐT phát sinh tại Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT…

Hiện các quy định pháp luật về thuế của nước ta đã được kiện toàn và có tính bao quát, điều chỉnh đối với TMĐT ngay từ khi hoạt động này mới ra đời. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân).

Lĩnh vực TMĐT được quy định cụ thể. Theo đó, đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, người mua sản phẩm TMĐT là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam; tổ chức khác và cá nhân sản xuất, kinh doanh thì người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp hoặc nhà thầu nước ngoài có thể thông qua các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh, theo quy định tại Luật Quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu Thuế GTGT và Thuế TNCN nếu có phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng cơ quan thuế nên nghiên cứu thông lệ quốc tế về cơ chế quản lý thuế đối với kinh tế số của một số quốc gia để vận dụng phù hợp cho Việt Nam. Về lâu dài, cần cân nhắc ban hành sắc thuế mới để điều chỉnh các hoạt động của nền kinh tế số. Tổng cục Thuế nên xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất qua thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn như ngân hàng, thuế, viễn thông… để cập nhật kịp thời từ khâu kê khai, nộp thuế...

 Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Dự thảo này có bổ sung quy định: Các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động TMĐT thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên