Quốc tịch

Cập nhật: 06-11-2013 | 00:00:00

Tôi là người Việt Nam lấy chồng có quốc tịch Mỹ, nhưng hiện vợ chồng tôi đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi sắp sinh con và trường hợp vợ chồng tôi không thỏa thuận được quốc tịch cho con thì con của chúng tôi sẽ mang quốc tịch theo cha hay mẹ?

Nguyễn Thị Phương Trang (phường Phú Cường,TP.TDM)

Khi trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì theo quy định:

Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài thì sẽ mang quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì đứa trẻ đó có quốc tịch Việt Nam.

Trong trường hợp của bà, nếu vợ chồng bà sinh con trên lãnh thổ Việt Nam mà không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì đứa bé đó có quốc tịch Việt Nam.

Từ chối đăng ký kết hôn

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những trường hợp nào bị cơ quan chức năng từ chối đăng ký kết hôn?

Võ Minh Đức

(phường Bình Thắng, TX.Dĩ An)

Điều 12 NĐ 24/2013/NĐ-CP quy định các trường hợp bị từ chối đăng ký kết hôn:

Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Một hoặc hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên kết hôn là công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú đối với người không quốc tịch. Việc kết hôn không do nam, nữ tự nguyện quyết định. Có sự lừa dối, cưỡng ép kết hôn. Một hoặc cả hai bên kết hôn là người đang có vợ, đang có chồng. Một hoặc cả hai bên kết hôn là người mất năng lực hành vi dân sự. Các bên kết hôn là những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời. Các bên kết hôn đang hoặc đã từng là cha, mẹ nuôi và con nuôi, bố chồng và con dâu, mẹ vợ và con rể, bố dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng. Các bên kết hôn cùng giới tính (nam kết hôn với nam, nữ kết hôn với nữ).

Mặt khác, việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn có thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Quyền hạn chế đối với chủ sở hữu công ty TNHH MTV

Xin cho biết những hạn chế đối với quyền của chủ sở hữu công ty TNHH MTV được pháp luật quy định như thế nào?

Khánh Trang (phường Hiệp Thành, TP.TDM)

Theo Điều 66 Luật Doanh nghiệp quy định các hạn chế đối với quyền của chủ sở hữu công ty TNHH MTV như sau:

- Chủ sở hữu công ty chỉ được rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì phải liên đới trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Trường hợp chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác, công ty phải đăng ký chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chuyển nhượng.

- Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=274
Quay lên trên