Quy hoạch tổng thể giao thông - vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng 2030: Nghiên cứu, khảo sát công phu nhưng còn sai sót!

Cập nhật: 26-07-2012 | 00:00:00

Đồ án Quy hoạch tổng thể giao thông - vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng 2030 do Trung tâm Nghiên cứu phát  triển GTVT - Viện Nghiên cứu và chiến lược - Bộ GTVT thực hiện, được các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá là công phu, nội dung nghiên cứu rộng, có tính khoa học, thực hiện công phu nhưng còn sai sót...

Quy hoạch hoành tráng

Đánh giá cơ sở hiện trạng GTVT của tỉnh trong 5 năm gần đây cho thấy, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển hệ thống giao thông đường bộ và tỷ lệ nhựa hóa hệ thống đường giao thông cao nhất vùng Đông Nam bộ với tỷ lệ bình quân 42,5% so với Bình Phước 31%, Đồng Nai 26%, Tây Ninh 28%... Từ đó, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh nhà. Cũng từ sự phát triển đó cho thấy trục giao thông hướng tâm, trục Bắc - Nam phát triển tốt, còn trục Đông - Tây thì phát triển chưa tương xứng, dẫn đến khu vực kinh tế - công nghiệp nơi đây bị ảnh hưởng.

Một khiếm khuyết quan trọng khác được đơn vị tư vấn thiết kế lưu ý là ngoài hai con sông lớn nổi tiếng của tỉnh là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai thì Bình Dương còn có nhiều con sông khác giữ vai trò rất quan trọng trong giao thông vận tải đường thủy là sông Thị Tính, sông Bé. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan lẫn chủ quan đã khiến lợi thế thiên nhiên này mất tác dụng, dẫn đến tăng áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ, mà hệ quả của nó là làm tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh, chậm trễ do ùn tắc và nhức nhối hơn vẫn là tỷ lệ tai nạn giao thông cao! Đỉnh điểm là năm 2008 với 439 vụ, làm 439 người chết, 400 người bị thương. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung kiểm tra tiến độ thi công công trình đường ĐT744 - một công trình giao thông trọng điểm của tỉnh

Để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của hệ thống giao thông hiện hữu, mở ra hướng đột phá phù hợp với quy hoạch phát triển chung của Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đơn vị tư vấn thiết kế áp dụng mô hình dự báo 4 bước dựa trên quy hoạch đô thị của TX.TDM (nay là TP.TDM), TX.Thuận An, TX.Dĩ An, huyện Bến Cát, Tân Uyên kết hợp với nhu cầu vận tải để mô phỏng mạng lưới giao thông GIS, từ đó có kế hoạch phân bổ lưu lượng giao thông phù hợp như xây mới hệ thống cầu, đường bộ, bến xe khách, bãi đổ tổng hợp, bãi đổ xe truyền thống, trạm dừng nghỉ, cảng khô nội  địa (ICD), bến thủy nội địa, đường sắt đô thị gắn với đường sắt quốc gia, sân bay, mạng lưới xe buýt, xe buýt nhanh (BRT) cùng nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác rất đa dạng, hoành tráng với tổng dự toán đầu tư là 277,7 ngàn tỷ đồng.

Nhiều ý kiến góp ý

Trước phiên họp của Hội đồng thẩm định đề án do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Văn Nam chủ trì, các sở ngành, huyện thị như Sở Kế hoạch - Đầu tư; Sở Xây dựng; Sở Thông tin - Truyền thông, huyện Phú Giáo... đã có văn bản góp ý tập trung vào những vấn đề trọng tâm, như: Hồ sơ thiết kế chưa bám sát đồ án quy hoạch chung của tỉnh; cần tham khảo Luật Xây dựng để xác định mốc xây dựng (cao độ); mạng lưới giao thông công cộng còn chung chung, cần bổ sung hướng tuyến giao thông kết nối với các công trình trọng điểm cùng với giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, dự báo tình hình giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; nguồn vốn đầu tư... Các ý kiến này đã được đại diện đơn vị tư vấn thiết kế trả lời trực tiếp và khá ngắn gọn là “đã có nghiên cứu nhưng không muốn thể hiện trong hồ sơ vì có rất nhiều số liệu nghiên cứu sẽ làm mất thời gian của đại biểu”.

Tiến sĩ Trịnh Văn Chính, Chủ nhiệm khoa Quy hoạch giao thông - trường Đại học GTVT, phản biện: “Với yêu cầu quy hoạch GTVT phải đi trước nên cần phải có danh mục đầu tư cùng với hệ thống quản lý, điều khiển để vừa giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, vừa giảm ô nhiễm khói, bụi do phương tiện giao thông gây ra nhằm bảo đảm tiêu chí văn minh đô thị. Nếu so với Hà Nội và TP.HCM thì đồ án này thể hiện được tính lợi thế “người đi sau” trong áp dụng giải pháp và công nghệ đầu tư. Nếu so sánh tuyến metro số 1 và số 2 của TP.HCM với giải pháp cầu, đường trên cao của Thái Lan hiện nay chúng ta tiết kiệm được từ 15 đến 20%”. Đại diện trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, nêu: “Đến năm 2020, Bình Dương trở thành đô thị loại I, nhưng yêu cầu và các tiêu chuẩn cụ thể của đô thị loại I thì còn quá mờ nhạt; mục tiêu giao thông đô thị chưa được đề cập vì giao thông đô thị là động lực quan trọng để phát triển đô thị. Đô thị hiện đại không thể có chuyện đường cao hơn nhà hoặc nhà cao hơn đường, nên đường quốc lộ trong đô thị phải là đường đô thị”...

Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh, nêu: “Đã nghiên cứu thì phải đi sâu mới có thể đưa ra hệ thống dự báo phù hợp. Ví dụ hiện trang GTVT chưa đưa ra con số hàng hóa, hành khách, phương tiện cụ thể thì khó mà dự báo được đến năm 2020, kế hoạch 2030 tỉnh Bình Dương có bao nhiêu tấn hàng hóa, bao nhiêu hành khách đi lại bằng phương tiện gì, kết nối ra sao; quy hoạch, xây dựng đường giao thông thì dễ nhưng quy hoạch xây dựng sân bay không thể đơn giản vì phải có tiêu chuẩn về chiều rộng, chiều ngang, hướng tuyến để có kế hoạch thu hồi, giải tỏa đất dự phòng. Do vậy, cần phải bổ sung các căn cứ quan trọng để có giải pháp cụ thể”.

Phải có những dự báo, đề xuất, kiến nghị

Phát biểu kết luận tại phiên họp của Hội đồng thẩm định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Văn Nam, nhấn mạnh: “Quy hoạch GTVT phải đi trước và Bình Dương được như ngày hôm nay là nhờ có hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ và hoàn chỉnh. Đơn vị tư vấn thiết kế khen ngợi Bình Dương nhiều, nhưng trong đồ án quy hoạch chưa thấy đưa ra cảnh báo. Ví dụ hệ thống giao thông đường thủy nội địa của Bình Dương hiện nay không an toàn, không được quy hoạch nên phát triển tự phát, dẫn đến ô nhiễm và tai nạn cao; trong khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh cần phải phù hợp với mạng lưới giao thông của vùng, trong khi Bình Dương phát triển như thế mà xung quanh đường sá chưa thông thì chưa phát huy được tác dụng, nên yêu cầu đơn vị tư vấn phải có những dự báo, đề xuất, kiến nghị cụ thể để hệ thống giao thông của tỉnh hòa vào mạng lưới giao thông quốc gia. Hay như hệ thống giao thông nông thôn của Bình Dương hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về xây dựng nông thôn mới thì đồ án quy hoạch phải có những cảnh báo để địa phương có kế hoạch ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, cần cập nhật, nghiên cứu bổ sung các căn cứ, số liệu một cách thống nhất, đồng bộ như kinh phí đầu tư đường 13 trên cao là 550 ngàn tỷ đồng là không đúng; căn cứ quy hoạch, xây dựng cảng biển là không phù hợp vì Bình Dương không có biển”.

* Tiến sĩ Trịnh Văn Chính, Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch giao thông - trường Đại học GTVT: Vốn đầu tư cho đề án chiếm trên 40% GDP là không khả thi!

Dự báo đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng (GDP) của Bình Dương bình quân là 13%/năm, trong khi tổng vốn đầu tư cho đề án chiếm đến 41,3% là không khả thi. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho phép mở rộng hình thức đầu tư, trong đó có hình thức đầu tư Công - Tư kết hợp (PPP). Nếu thực hiện chủ trương này sẽ thuận lợi cho tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư và tư nhân cũng sẽ an tâm hơn vì đã được Nhà nước bảo hộ.

 

* Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Hữu Minh: Giao thông đô thị phải đa dạng và hiện đại

Đô thị Bình Dương là thành phố văn minh hiện đại nên GTVT phải đa dạng. Để bảo đảm mỹ quan, tránh ùn tắc giao thông thì phải áp dụng ngầm hóa kể cả hệ thống thương mại - dịch vụ. Biết rằng quy hoạch là không bất biến nên phải mạnh dạn đưa các loại hình, công nghệ hiện đại vào trong quy hoạch. Ngoài hệ thống đường trên cao, xe lửa đô thị Bình Dương cũng phải có giao thông ngầm (metro). Tuyến đầu tiên của tỉnh kết nối với hệ thống metro của TP.HCM nằm dọc theo tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ vừa có tính liên thông, vừa bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

 

DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên