Tạm dừng thành lập khu kinh tế

Cập nhật: 16-12-2011 | 00:00:00

Tạm dừng việc ra quyết định thành lập mới, tiến hành tổng kết, đánh giá một cách toàn diện đối với các khu kinh tế, cửa khẩu đã thành lập và đi vào hoạt động để có hướng đầu tư, phát triển…

Đây là kiến nghị của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được nêu tại báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (KKT, KKTCK), ngày 15-12.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển cá KTT, KKTCK do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, cả nước có 18 KTT được quy hoạch, trong đó có 15 KTT được thành lập và 28 KKTCK. Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là vào khoảng 15.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế, hiện nay việc đầu tư cho các lĩnh vực trên còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

  Cần xem xét hiệu quả các KKT, KKTCK 

Cụ thể, việc đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng ở hầu hết các KTT hiện rất kém, chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, viễn thông… Tương tự, mức đầu tư hạ tầng cho các KTTCK khá hạn chế, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Đặc biệt, theo Uỷ ban kinh tế, hiện nay 11 KKTCK kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với các khu vực cửa khẩu của phía Trung Quốc. “Sự chênh lệch về quy mô và mức đầu tư của Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra sự không cân xứng dọc theo toàn tuyến biên giới nói chung và khu vực cửa khẩu nói riêng”, ông Giàu nhấn mạnh.

Cũng theo kết quả giám sát, việc thành lập KKTCK chưa dựa trên một đánh giá toàn diện về nhu cầu, tiềm năng, điều kiện kinh tế- xã hội và nguồn lực tài chính. Đặc biệt, việc lưu thông tiền tệ và thanh toán diễn ra một cách tự phát, chưa có sự hiện diện của các Ngân hàng thương mại tại các cửa khẩu nên dễ gây rủi ro, thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung cũng cho biết, hiện mới chỉ có KTT Chu Lai, KTT Dung Quất có khả năng nộp ngân sách, còn các KTT khác chưa được như mong muốn. Dẫn chứng cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu so với hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho 15 KTT, KKTCK xấp xỉ 600 triệu USD, vốn của các nhà đàu tư là 25 tỷ USD, 540.000 tỷ đồng, nhưng doanh thu đem lại năm 2011 chỉ đạt 8 tỷ USD, thu ngân sách 1 tỷ USD, tạo việc làm cho 30.000 lao động thì rõ ràng hiệu quả rất thấp. Do vậy, ông Hiển đề xuất nên đánh giá lại hiệu quả của các KTT, KKTCK để đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư cho phù hợp. “Với điều kiện, diện tích rộng lớn thì khả năng hỗ trợ từ ngân sách cũng “như muối bỏ biển”, không tạo ra được sức phát triển ở các KTT này”, ông Hiển nói.

Quan điểm này cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng đồng tình và cho rằng, cần đánh giá hiệu quả, vai trò của các KKT, KKTCK đối với kinh tế vùng, địa phương để có định hướng phát triển.

Do vậy, đoàn giám sát cũng như ý kiến một số đại biểu đều đề xuất Chính phủ tạm dừng việc ra quyết định thành lập mới, tiến hành tổng kết, đánh giá một cách toàn diện đối với các KKT, KKTCK đã thành lập và đi vào hoạt động để có hướng đầu tư, phát triển.

Theo Đất Việt

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=253
Quay lên trên