Tăng cường công tác dân vận

Cập nhật: 24-06-2016 | 09:28:03

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ra quyết định thành lập Đoàn giám sát của Tỉnh ủy để giám sát 3 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận (CTDV) trong tình hình mới”. Mục đích của đợt giám sát lần này là nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc triển khai và tổ chức thực hiện CTDV trong tình hình mới.

Ông Trần Thanh Liêm (thứ 4 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho tổ chức, cá nhân thực hiện tốt CTDV chính quyền Ảnh: H.V

Chỉ đạo thực hiện tốt

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, CTDV của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tốt. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện tốt CTDV, góp phần tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chính trị, bảo đảm quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá nhanh của tỉnh làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, là tiền đề quan trọng tạo nên niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân không ngừng được tăng cường, củng cố.

Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình hành động thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng, đặc biệt là Nghị quyết 8B-NQ/TW, ngày 27- 3-1990 của BCH Trung ương (khóa VI) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”; Chỉ thị 30-CT/ TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Quyết định 290-QĐ/TW, ngày 25-2- 2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành Quy chế CTDV của hệ thống chính trị. Từ đó CTDV trong tỉnh có nhiều thuận lợi. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, việc thực hiện của chính quyền và các ngành về công tác vận động nhân dân được đổi mới.

Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều vì mục tiêu chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên được kiện toàn, củng cố; có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát động các phong trào thi đua yêu nước, thu hút được các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời tham mưu nhiều chương trình, đề án nhằm tập hợp, chăm lo, giáo dục, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Để tiếp tục phát huy yêu cầu, nhiệm vụ mới về CTDV, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Đoàn giám sát để trong quý III-2016, đoàn sẽ giám sát kết quả 3 năm việc thực hiện Nghị quyết số 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới” tại các huyện, thị, thành ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Mục đích của đợt giám sát lần này là đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 25 gắn với kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 1370-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy chế CTDV của hệ thống chính trị; tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các Đảng ủy trực thuộc khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng tiếp tục thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến CTDV trong hệ thống chính trị của tỉnh những năm tiếp theo.

Tiếp tục phát huy

Theo Chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy, sự tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới là tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của từng cấp ủy Đảng đối với CTDV trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của BCH Trung ương Đảng đã xác định: “Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thường xuyên đi công tác cơ sở. Các cơ quan Nhà nước, nhất là những ngành, cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với nhân dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy khẳng định, CTDV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, từng cấp ủy lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. Theo sự phân cấp chính quyền từng cấp thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện CTDV; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.

Chương trình hành động số 69 của Tỉnh ủy đã đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp chú trọng nhất là tăng cường xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng bộ và chính quyền. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp chú ý nữa là đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, địa phương đã thực hiện tốt CTDV trong tình hình mới.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục tổ chức quán triệt Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 25 của BCH Trung ương Đảng, đặc biệt là Kết luận 114 của Ban Bí thư và Chỉ thị 49 của Tỉnh ủy Bình Dương về tăng cường CTDV của chính quyền, về Quy chế phối hợp hoạt động và tiếp tục triển khai xây dựng mô hình Chính quyền thân thiện, công sở thân thiện giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ CB, CC, VC, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện CTDV chính quyền, Quy chế phối hợp và thực hiện tốt các nội dung theo Kế hoạch xây dựng mô hình đối với các cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm.

 

 SÔNG TRÀ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên